1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga và Assad đồng thanh tương ứng tại Syria?

Nga và đại diện chính quyền Assad đang tích cực phối hợp với nhau cả trên chiến trường và trên bàn hòa đàm tại Syria.

Nga chúc mừng chính quyền Assad chiến thắng Palmyra

Ngày 27/3, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã điện đàm với người đồng cấp Syria Bashar al-Assad để chúc mừng việc lực lượng chính phủ Syria giành lại được thành phố cổ Palmyra.

“Trong cuộc điện đàm, (Tổng thống) Putin đã chúc mừng Tổng thống Syria về việc lực lượng Syria giải phóng thành phố Palmyra khỏi khủng bố.

Dù đã rút bộ phận chính của lực lượng quân sự khỏi Syria, nhưng lực lượng Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Syria chiến đấu chống khủng bố và loại bỏ các nhóm cực đoan khỏi lãnh thổ của họ”, nguồn tin cho hay.

Tổng thống Putin chúc mừng chiến thắng Palmyra của quân đội Syria
Tổng thống Putin chúc mừng chiến thắng Palmyra của quân đội Syria

Về phần mình, người đứng đầu chính phủ Syria ca ngợi sự giúp đỡ cũng như những đóng góp quan trọng của lực lượng không quân và không gian vũ trụ Nga.

“Những thành công như giải phóng Palmyra sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự hỗ trợ của Nga”, ông Assad tuyên bố.

Trước đó, ngày 27/3, nhà lãnh đạo Syria đã tuyên bố việc quân đội nước này giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố cổ Palmyra cho thấy chiến lược mà quân Chính phủ và các đồng minh đang theo đuổi trong cuộc chiến chống khủng bố đã thành công.

Ông Assad nhấn mạnh, việc giải phóng thành phố cổ Palmyra là một chiến thắng quan trọng, một minh chứng nữa cho thấy quân đội Syria và các lực lượng đồng minh đã thành công trong chiến lược chống khủng bố.

Nga và Assad đồng thanh tương ứng tại Syria

Giới phân tích cho rằng, bất chấp những tin đồn đại về sự rạn nứt trong mối quan hệ trước đó, Moskva và Damascus đang có sự hợp tác ăn ý, đồng thanh tương ứng trên cả chiến trường lẫn mặt trận ngoại giao.

Đầu tiên có thể thấy rõ điều này trong chiến thắng mang tính chiến lược tại thành phố cổ Palmyra.

Thực tế kể từ khi Palmyra rơi vào tay phiến quân IS hồi tháng 5/2015, dù đã nhiều lần giao tranh nhưng quân chính phủ vẫn phải chấp nhận rút lui.

Tuy nhiên trong chiến dịch vừa qua, Không quân Nga đã thực hiện 40 đợt xuất kích tại Palmyra trong vòng 24 giờ, đánh trúng 117 mục tiêu và giết hơn 80 phiến quân, để hỗ trợ quân đội Syria giành lại Palmyra từ tay phiến quân IS.

Nhờ sự giúp sức của điện Kremlin, uy tín của chính quyền Assad đã được lên cao trên trường quốc tế sau chiến thắng bước ngoặt này.

Ngày 27/3, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Jordan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ca ngợi việc lực lượng chính phủ Syria giải phóng hoàn toàn thành cổ Palmyra từ tay các chiến binh thuộc nhóm khủng bố IS.

Nga và Syria đồng thanh tương ứng trên chiến trường và mặt trận ngoại giao
Nga và Syria đồng thanh tương ứng trên chiến trường và mặt trận ngoại giao

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng chính phủ Syria hiện có thể giữ gìn và bảo vệ thành cổ Palmyra, một di sản văn hóa chung của nhân loại.

Thứ hai, dù chịu nhiều sức ép từ các nước trong vòng đàm phán hòa bình nhưng cả Nga và Syria vẫn có chung quan điểm xung quanh vấn đề tương lai của Tổng thống Assad.

Còn nhớ hôm 23/3, ông Bashar al-Jaafari, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) khi trả lời về số phận của Tổng thống nước này đã khẳng định rằng Tổng thống Assad không có gì để làm với các cuộc thảo luận nội bộ Syria và số phận chính trị của ông vốn đã không nằm trong các vấn đề thảo luận tại bàn đàm phán hòa bình.

Về phía Nga, điện Kremlin cũng có chung quan điểm với đại diện chính quyền Damascus. Ngay từ thời điểm đầu tiên khi tiến hành không kích IS, Moskva đã tuyên bố chỉ mong muốn Syria có một chính quyền ổn định và quân đội có thể duy trì trật tự cũng như chống lại được IS.

Gần đây khi vòng đàm phán hòa bình mới được khởi động, dù nhiều nước đã gây áp lực để chính quyền Tổng thống Putin phải cứng rắn với Damascus nhưng ngoại trưởng Sergei Lavrov vẫn tuyên bố, Moskva ủng hộ bất cứ cơ cấu chính phủ nào mà nhân dân Syria lựa chọn.

"Chúng tôi luôn cố gắng giải quyết bất cứ điều gì vì người dân Syria. Chỉ nhân dân Syria mới quyết định được số phận của quốc gia Trung Đông này. Điều này có nghĩa rằng bất kỳ hình thức nào, như liên bang hóa, phân quyền hay nhà nước đơn nhất, đều cần phải nhận được sự nhất trí của tất cả người dân Syria”, ông Lavrov khẳng định hôm 14/3.

Với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Moskva, điện Kremlin vẫn giữ nguyên quan điểm trên. Vì thế, Washington đã bắt buộc phải nhân nhượng không nhắc đến tương lai của Tổng thống Assad trong thời gian này.

Ngày 25/3, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, nước này và Mỹ đã nhất trí quan điểm rằng tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không nên được đưa ra thảo luận vào thời điểm hiện nay.

Rõ ràng với sự ủng hộ nhiệt tình từ Moskva, chính quyền Damascus đang có những thuận lợi cả trên chiến trường lẫn mặt trận ngoại giao.

Trong dịp này, nhà lãnh đạo Syria cũng nhân cơ hội nhận được sự đỡ đầu của Nga để đưa ra thêm các điều kiện mặc cả trước khi vòng đàm phán thứ hai diễn ra hồi đầu tháng 4 tới.

Hôm 27/3, Tổng thống Assad trong cuộc nói chuyện với các nhà lập pháp của Pháp ở Damascus, nói Syria quá nhỏ để trở thành một nhà nước liên bang.

“Ông Assad nhấn mạnh rằng, Syria là một đất nước quá nhỏ để tiến hành liên bang hoá. Đây cũng là lí do các cộng đồng sống rất gần gũi với nhau. Ông ấy cũng nói rằng, việc người Kurd tự liên bang hoá ở miền bắc đất nước là một ý kiến tồi”, nghị sĩ Nicolas Dhuicq của Pháp cho hay.

Tổng thống Assad tin rằng, nhà nước trung ương nên đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ đất nước Syria, trong khi những khu vực đặc biệt sẽ được trao quyền tự trị lớn hơn.

Ngoài ra, ông Assad cũng bày tỏ sự phản đối với đề xuất trong hiến pháp mới về việc tổng thống của Syria buộc phải là người Hồi giáo hay người Hồi giáo có quyền lớn hơn trong việc chọn ra người lãnh đạo đất nước.

Theo Trung Dũng (Tổng hợp)

Đất Việt