1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Nga giúp Syria giành lại Palmyra?

(Dân trí) - Không quân Nga đã tích cực hỗ trợ quân đội Syria giành lại thành cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút quân chủ lực khỏi quốc gia Trung Đông này.


Quân đội Syria với sự yểm trợ trên không của Nga đã giải phóng hoàn toàn Palmyra. (Ảnh: Debka)

Quân đội Syria với sự yểm trợ trên không của Nga đã giải phóng hoàn toàn Palmyra. (Ảnh: Debka)

Sau quyết định bất ngờ rút quân khỏi Syria hôm 14/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục chỉ thị Không quân Nga hỗ trợ quân đội của chính phủ Syria tổng tiến công và giải phóng thành cổ Palmyra hôm 26 và 27/3.

Tuy nhiên, cũng giống như Iraq, mặc dù có sự hỗ trợ của nước ngoài, nhưng quân đội nước này vẫn không thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn Ramadi hay Baiji từ tay IS. Sau khi lui về phía đông, IS sẽ tiếp tục thách thức quân đội Syria bằng các cuộc đột kích rải rác. Và khi đó, quân đội Syria sẽ lại phải dựa vào sự yểm trợ từ trên không của Nga.

Trang mạng Debka đã đặt ra câu hỏi rằng, điều gì khiến Tổng thống Putin quyết định hỗ trợ để quân đội Syria giải phóng thành cổ Palmyra chủ vài ngày sau chỉ thị rút quân nhằm gây sức ép buộc chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đàm phán một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia này vào tháng 8 tới.

Debka đã đưa ra hai giả thiết cho động thái này của Nga. Thứ nhất, Palmyra có vai trò quan trọng chiến lược đối với sở chỉ huy Nga bởi việc quân đội Syria giành lại thành phố này sẽ mở đường vào thành trì của IS ở Raqqa cách đó 225km.

Thứ hai, Palmyra cũng là cửa ngõ dẫn đến Deir ez-Zour, cách biên giới Iraq 188km về phía đông. Đối với sở chỉ huy quân sự của Nga, Deir ez-Zour còn quan trọng hơn thành trì Raqqa bởi nó là chìa khóa giúp kiểm soát thung lũng Euphrates và mở đường từ Syria tới Baghdad.

Những đánh giá này chủ yếu dựa vào những tính toán chiến lược của Nga, song ít tác động trực tiếp đến mục tiêu của ông Assad là phải duy trì quyền lực. Chính phủ Syria có thể tuyên bố họ đã thắng lợi trong chiến dịch giải phóng Syria, nhưng thực tế đó có thể là chiến công của các phi công Nga.

Debka cũng chỉ ra, mối quan hệ thân mật giữa Nga và Iran rạn nứt do quyết định của Nga “bắt tay” với Mỹ để chấm dứt sự cầm quyền của ông Assad. Rạn nứt này buộc ông Putin hôm 14/3 đưa ra quyết định rút quân chủ lực khỏi Syria.

Tuy nhiên, đầu tiên Nga chỉ ngừng yểm trợ trên không cho chính quyền Syria và IS đã nhanh chóng chớp lấy cơ hội này và tiến về các thành phố Nawa, Sheikh Maskin và Daraa. Moscow hy vọng điều này sẽ giúp Syria nhận thức được vai trò của Nga. Sau đó, từ khoảng giữa tuần trước, ông Putin yêu cầu Không quân Nga tái triển khai các cuộc không kích ở phía đông hỗ trợ quân đội Syria tiến về và giải phóng Palmyra.

Theo nguồn tin quân sự của Debka, việc giải phóng Palmyra nằm ngoài khả năng của quân đội Syria nếu không có sự hỗ trợ của Không quân Nga. Với quyết định của mình, ông Putin buộc Syria và Iran nhận thức được vai trò của Nga rằng với sự hỗ trợ của họ có thể giành chiến thắng, nếu không họ sẽ thất bại.

Minh Phương

Theo Debka