1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga và 4 nước Liên Xô cũ lập Liên minh kinh tế Á- Âu

(Dân trí) - Nga và 4 nước từng thuộc Liên bang Xô Viết ngày 23/12 đã chính thức hoàn tất việc thiết lập Liên minh kinh tế Á- Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và hai người đồng cấp 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) và hai người đồng cấp Kazakhstan (trái) và Belarus (phải) trong buổi lễ ký kết ngày 23/12

Tại buổi lễ ký kết ngày 23/12 ở thủ đô Mátxcơva, lãnh đạo các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan tuyên bố Liên minh kinh tế Á- Âu sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/2015. Bên cạnh ký kết các hiệp định tư do thương mại, liên minh này còn phối hợp và điều chỉnh hệ thống tài chính, các chính sách công nghiệp, nông nghiệp cũng như thị trường lao động và mạng lưới giao thông của các nước thành viên.

Trước đây, Mátxcơva từng cố gắng vận động Ukraine tham gia vào liên minh nhưng vị Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych đã bị lật đổ trong cuộc chính biến tháng 2 năm nay. Sau sự kiện này, Nga đã sáp nhập bán đảo Cimea vào tháng 3/2014 và một cuộc xung đột lớn đã nổ ra vào kéo dài đến nay tại miền Đông Ukraine

Phát biểu tại buổi lễ ngày 23/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo liên minh mới sẽ tạo ra tổng sản lượng kinh tế lên tới 4,5 ngàn tỷ USD và sẽ bao gồm 170 triệu dân của các nước thành viên.

“Liên minh này được xây dựng trên cơ sở cùng có lợi và tính đến lợi ích chung của tất cả các nước thành viên”, ông chủ điện Kremlin khẳng định.

Tuy nhiên, ông Alexander Lukashenko, Tổng thống quốc gia thành viên Belarus, đã khuấy động buổi lễ bằng những lời chỉ trích Mátxcơva đang làm tổn hại đến nền kinh tế Belarus qua việc hạn chế xuất khẩu hàng hóa từ nước này sang Nga.
 
“Chúng tôi đã bị cấm quá cảnh hàng hóa, đây là một hành động vi phạm các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Những lệnh cấm này đã được đưa ra đơn phương mà không có một sự bàn thảo nào giữa hai bên”, Tổng thống Belarus tuyên bố trong buổi lễ.

Tháng 10 vừa rồi, điện Kremlim đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ các nước EU nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt Nga của châu Âu. Belarus, đất nước nằm giữ Nga và hai thành viên EU là Ba Lan và Lithuania, đã có được món hời lớn thông qua việc tăng nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm từ EU và bán lại cho Nga.

Gần đây, chính quyền Mátxcơva đã đáp trả bằng cách dừng nhập khẩu các sản phẩm sữa và thịt từ Belarus với lý do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, điện Kremlin cũng tuyên bố cấm các hàng thực phẩm của Belarus quá cảnh vào Nga để chuyển đến Kazakhstan bởi nghi ngờ rằng những mặt hàng này sẽ được tiêu thụ tại Nga.

Thoa Phạm
Theo AP

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm