1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Ukraine lên tiếng về lệnh ngừng bắn, nêu cách duy nhất chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Đại sứ Ukraine cảnh báo nguy cơ Nga tăng cường lực lượng và tiếp tục các cuộc tập kích nếu một lệnh ngừng bắn được đưa ra.

Ukraine lên tiếng về lệnh ngừng bắn, nêu cách duy nhất chấm dứt xung đột - 1

Lính Ukraine chiến đấu ở Bakhmut (Ảnh: Getty).

"Nhiều quốc gia đã đề xuất ý tưởng ngừng bắn, nhưng không ai nghĩ xem ý tưởng đó có nghĩa như thế nào. Khoảng 25% lãnh thổ Ukraine sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga, điều đó có nghĩa là Nga sẽ có thêm thời gian để tăng cường lực lượng và tiếp tục các cuộc tấn công vào Ukraine", Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar nói trong một cuộc phỏng vấn với Euronews hôm 25/7.

Đại diện của một số quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, những quốc gia vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Nga, đã kêu gọi Ukraine và Nga đàm phán ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.

Đại sứ Bodnar cho biết, Ukraine chỉ muốn chấm dứt chiến tranh và đạt được hòa bình bằng một cách: Nga rút quân khỏi lãnh thổ của Ukraine và tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Không nên xem xét bất kỳ đề xuất nào khác và đó là lý do chúng tôi bác bỏ (đề xuất của Nga)", ông Bodnar nhấn mạnh.

Đại sứ Bodnar cũng nói thêm rằng, Ukraine muốn gia nhập NATO chỉ để đạt được an ninh và hòa bình lâu dài, không có ý định khiêu khích Nga hoặc tạo ra những thay đổi địa chính trị.

Theo ông Bodnar, NATO là thể chế duy nhất có thể đáp ứng được nhu cầu an ninh của thế giới hiện đại, ít nhất là trên lý thuyết.

Ông Bodnar nhận định, nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, đây sẽ là biên giới tự nhiên giữa các thành viên khác của liên minh và Nga.

Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và một số thành viên của liên minh đồng ý rằng một ngày nào đó Ukraine sẽ trở thành một phần của NATO, Kiev vẫn chưa được đưa ra một thời gian biểu cụ thể cho việc gia nhập. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bế tắc này là do cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa đến hồi kết.

Nếu được kết nạp, Ukraine sẽ được đảm bảo an ninh theo Điều 5 về phòng thủ tập thể của NATO. Điều khoản này quy định, bất cứ cuộc tấn công hay mối đe dọa nào nhằm vào một trong các thành viên của khối sẽ bị coi là tấn công, đe dọa cả liên minh, NATO có quyền đáp trả tập thể.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố Moscow không chấp nhận Ukraine gia nhập NATO trong bất kỳ trường hợp nào và coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Nga cho rằng việc NATO tiếp tục mở rộng về phía đông và sự hợp tác quân sự của khối này với Ukraine là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột. Moscow coi NATO là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và khẳng định Ukraine phải trở thành một quốc gia trung lập.

Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Theo Kyiv Independent