1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tung quân giành mặt trận Kursk, khép gọng kìm đánh bật Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga đẩy mạnh các cuộc tiến công tại tỉnh biên giới Kursk giữa lúc giao tranh khốc liệt đang nổ ra với lực lượng Ukraine.

Nga tung quân giành mặt trận Kursk, khép gọng kìm đánh bật Ukraine - 1

Quân đội Nga tiếp tục giao tranh với lực lượng Ukraine ở Kursk (Ảnh: Tass).

Theo trang tin quân sự Avia Pro, tại tỉnh Kursk của Nga, các cuộc giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn, khi lực lượng Moscow và Kiev liên tục thay đổi vị trí và điều động lực lượng.

Theo dữ liệu do kênh Telegram "Management Z Kursk" cung cấp, quân đội Nga đã cố gắng tấn công và đạt được một số bước tiến về mặt chiến thuật, nhưng sức kháng cự của quân đội Ukraine vẫn mạnh mẽ.

Các đơn vị Nga đã đột phá qua khu định cư Pogrebki, di chuyển về phía nam. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã sớm ổn định mặt trận và bắt đầu các cuộc phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát các khu vực đã mất.

Lính dù Nga đã khép vòng vây, ngăn cản lực lượng vũ trang Ukraine triển khai hiệu quả hoạt động hậu cần trong khu vực, buộc đối phương phải huy động thêm nguồn lực và quân dự bị.

Những bước tiến ban đầu của quân đội Nga tại Novoivanovka bắt đầu chậm lại do hệ thống phòng thủ kiên cố của lực lượng vũ trang Ukraine, khi lực lượng này đã ngăn chặn đà tiến công từ hướng nam. Một tình huống tương tự cũng được quan sát thấy ở khu vực Darino, nơi cuộc tiến công sau khi thiết lập các vị trí giữa các làng Obukhovka và Darino đã gặp phải những trở ngại đáng kể.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/11 tuyên bố chiến dịch xóa sổ lực lượng Ukraine vẫn đang diễn ra. Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga đã đẩy lùi 6 đợt phản công của Ukraine vào các khu định cư Daryino, Nikolayevo-Daryino và Novoivanovka.

Nhóm tác chiến tiếp tục  hoạt động tấn công, đánh bại các đơn vị của Ukraine tại những khu định cư Daryino, Leonidovo, Malaya Loknya, Nikolayevo-Daryino và Novoivanovka.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong ngày 11/11, Ukraine đã mất hơn 300 quân nhân, một xe tăng, một xe chiến đấu bộ binh, 2 xe bọc thép chở quân, 8 xe chiến đấu bọc thép, 3 khẩu pháo, 7 xe cơ giới. Phía Nga nói rằng một số quân nhân Ukraine đã đầu hàng.

Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến sự ở Kursk, Kiev đã mất hơn 31.390 quân, 195 xe tăng, 127 xe chiến đấu bộ binh, 109 xe bọc thép chở quân, 1.110 xe chiến đấu bọc thép, 850 xe cơ giới, 265 khẩu pháo và 40 hệ thống pháo phóng loạt, bao gồm 11 hệ thống HIMARS và MLRS do Mỹ sản xuất.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrskyi ngày 11/11 thừa nhận quân đội Nga đang dồn quân tiến vào tỉnh Kursk, đồng thời nói thêm rằng Moscow đã tập hợp hàng chục nghìn binh lính ở khu vực giáp ranh với Ukraine.

"Theo lệnh của chỉ huy quân sự, họ đang cố gắng đánh bật quân đội của chúng tôi và tiến sâu vào lãnh thổ mà chúng tôi đang kiểm soát", tướng Ukraine cho biết thêm.

Nga tung quân giành mặt trận Kursk, khép gọng kìm đánh bật Ukraine - 2

Vị trí vùng Kursk của Nga (Ảnh: Bloomberg).

Quân đội Nga đang tiến hành các cuộc tấn công tên lửa vào các vị trí của Ukraine ở Kursk và triển khai pháo binh nhưng chưa tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn. Giới chức Ukraine dự đoán Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn có sự tham gia của lực lượng quân sự Triều Tiên trong vài ngày tới.

Báo New York Times ngày 10/11 dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ cho rằng khoảng 50.000 binh sĩ Nga và Triều Tiên sẽ tham gia cuộc phản công quy mô lớn ở Kursk trong những ngày tới.

Quân đội Triều Tiên được cho là đang tham gia huấn luyện với lực lượng Nga ở phía Tây tỉnh Kursk.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Triều Tiên đã gửi từ 10.000 đến 13.000 quân đến Nga, trong đó phần lớn lực lượng này đang được triển khai ở Kursk. Theo giới chức Ukraine, Moscow đã cung cấp cho quân đội Triều Tiên súng máy, súng bắn tỉa, tên lửa chống tăng và súng phóng lựu phóng tên lửa.

Nga và Triều Tiên bác bỏ cáo buộc trên. Hai nước đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện sau khi Tổng thống Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký hồi tháng 6.

Hiệp ước phác thảo sự hợp tác chiến lược toàn diện mà 2 nước dự định duy trì, bao gồm các vấn đề an ninh quốc gia. Hiệp ước nêu rõ không bên nào sẽ ký kết các hiệp ước với bên thứ ba xâm phạm chủ quyền của bên kia.

Ngoài ra, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong 2 quốc gia, quốc gia còn lại cam kết sẽ cung cấp hỗ trợ, bao gồm cả các phương tiện quân sự, như được Hiến chương Liên hợp quốc cho phép.

Theo Tass, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm