1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga từ chối bán máy bay Tu-22 cho Trung Quốc

(Dân trí) - Mátxcơva đã từ chối bán máy bay ném bom chiến lược siêu thanh tầm xa Tu-22 cho Bắc Kinh. Trước đó, trung Quốc đã ngỏ ý mua máy bay hoặc công nghệ sản xuất dòng Tu-22 của Nga nhằm thay thế các chiến đấu cơ H-6 hiện đã lạc hậu.

Nga từ chối đề nghị mua lại máy bay Tu-22 từ phía Trung Quốc

Nga từ chối đề nghị mua lại máy bay Tu-22 từ phía Trung Quốc

Tờ Russian Military Analyst của Nga số ra ngày 3/1 khẳng định Nga đã từ chối đề nghị bán máy bay Tu-22 cho Trung Quốc.

Tờ báo này cho biết máy bom ném bom chiến lược siêu thanh Tu-22M3 (NATO gọi là Backfire-C) có bán kính hoạt động 6.800 km, có thể đạt tốc độ tối đa 2.000 km/giờ và có khả năng mang tới 24 tấn vũ khí (cả bom hạt nhân và tên lửa hành trình).

Chiến đấu cơ Tu-22M3 cất cánh lần đầu năm 1976 và bắt đầu phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1983. Mátxcơva có 141 chiếc Tu-22M3 vào năm 2008 nhưng hiện các máy bay này dần bị thay thế vì đã sử dụng quá lâu năm.

Báo Nga ngày 3/1 nhận định Bắc Kinh muốn mua máy bay ném bom chiến lược Tu-22 của Mátxcơva để thay thế các chiến đấu cơ H-6 đã già cỗi từ thời Chiến tranh Lạnh của lực lượng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tờ China Want Times của Đài Loan cho hay Bắc Kinh hiện sở hữu khoảng 100 chiếc H-6, với thiết kế mô phỏng lại dòng máy bay ném bom Tu-16 mua lại của Nga từ năm 1958. Với kích thước lớn và tốc độ bay chậm, các chuyên gia cho rằng loại máy bay H-6 đời cũ này có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các hệ thông phòng không hiện đại như của Mỹ và Nga.

Máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cải tiến có thể mang tên lửa hành trình CJ-10

Máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cải tiến có thể mang tên lửa hành trình CJ-10

Tập đoàn sản xuất máy bay Tây An của Trung Quốc đã tạo ra máy bay H-6K (phiên bản nâng cấp của H-6) bằng cách trang bị động cơ D-30KP-2 do Mátxcơva sản xuất cùng các kỹ thuật điện tử hàng không tiên tiến khác.

Theo báo Nga, với phiên bản cải tiến H-6K, phạm vi chiến đấu của quân đội Trung Quốc được nâng từ 18.000 km lên 30.000 km. Phiên bản này cũng có thể mang theo 6 tên lửa hành trình CJ-10A, loại vũ khí được cho là sao chép thiết kế từ tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-55 của Mátxcơva. 

Tuy vậy, khi so với B-2 của Mỹ và Tu-22 của Nga, H-6K dù đã được cải tiến vẫn “chưa ăn thua gì”.

Báo Nga nhận định Bắc Kinh trong nhiều năm qua đã cố phát triển các máy bay ném bom chiến lược mới để thay thế H-6, nhưng dường như đây là một nhiệm vụ khó khăn đối với ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Bắc Kinh đã muốn "cầu viện" Mátxcơva để đạt được mục tiêu nêu trên khi ngỏ ý mua máy bay hoặc công nghệ sản xuất Tu-22 nhưng Nga đã thẳng thừng từ chối đề nghị này. 

Thoa Phạm
Tổng hợp