Nga, Trung, Nhật đua nhau "ve vãn" Mỹ La-tinh
(Dân trí) - Lãnh đạo Nga, Trung Quốc và Nhật đều tới Mỹ La-tinh trong những tuần gần đây, cạnh tranh với Mỹ để tăng cường ảnh hưởng của riêng mình, đầu tư và đổ tiền vào các thị trường giàu tài nguyên.
Chuyến thăm của ông Abe bắt đầu ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Mỹ La-tinh, với các điểm đến là Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba. Ông Tập đã ký hơn 100 thỏa thuận thương mại trong chuyến đi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có mặt tại khu vực trong 1 tuần kể từ ngày 11/7, với các điểm dừng chân là Argentina, Brazil, Nicaragua và Cuba.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ La-tinh, nhưng những ngày Washington có thể tận dụng khu vực là “sân sau” của mình đã qua rồi.
“Trong 2 hoặc 3 năm tới, Trung Quốc sẽ thay thế Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ 2 của khu vực”, Osvaldo Rosales, người đứng đầu bộ phận thương mại quốc tế tại Ủy ban kinh tế Mỹ La-tinh (ECLA), một tổ chức của Liên hợp quốc.
Dù ông Tập đã tới thăm các quốc gia thường chỉ trích sự chủ nghĩa đến quốc Mỹ, ông Rosales cho rằng chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc chỉ nhằm mục đích kinh tế.
“Trung Quốc cần các tài nguyên thiên nhiên, cho phép nước này duy trì tốc độ phát triển dài hạn từ 5-7%”, ông Rosales, nhà kinh tế học gốc Chile, cho biết.
Trung Quốc là thị trường cho đồng và gỗ của Chile, vàng và kẽm của Peru, thịt bò và lúa mì của Argentina, đường và đậu nành của Brazil, dầu mỏ của Venezuela…
Yun Sun, một chuyên gia về Đông Á tại trung tâm cố vấn Stimson ở Washington, cho hay chuyến đi của Tập một phần là nhằm tăng cường mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ La-tinh, nơi có thể là khu vực yếu nhất trong chiến lược toàn cầu của Trung Quốc”.
Cùng với Brazil, Ấn Độ và Nam Phi - các đối tác trong khối các nền kinh tế mới nổi Brics, họ đã công bố thành lập một ngân hàng phát triển 50 tỷ USD và một quỹ dự phòng 100 tỷ USD để cạnh tranh với Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), vốn do phương Tây thống trị.
Ông Tập cũng “ve vãn” các lãnh đạo Mỹ La-tinh với đề xuất một quỹ cơ sở hạ tầng 20 tỷ USD cho khu vực.
Tại Cuba, ông Tập đã ký các thỏa thuận về thăm dò nickel và dầu mỏ chung tại các vùng biển của Cuba ở vịnh Mexico.
Trong khi đó, thương mại của Nga với Mỹ La-tinh không lớn so với Trung Quốc, nhưng Mátxcơva có thể cần sự ủng hộ của khu vực này trong bối cảnh EU và Mỹ đóng cánh cửa với Nga vì cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Nga cũng muốn sử dụng vai trò của mình trong khối Brics để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
An Bình
Theo AFP