Nga-Trung ký kết hàng loạt thỏa thuận nhân chuyến thăm của ông Putin
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 25/6 đã cam kết thúc đẩy hợp tác và chứng kiến lễ ký kết hàng loạt thỏa thuận, trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ giữa lúc đối mặt với sự gia tăng căng thẳng với phương Tây.
Trong chuyến thăm lần thứ 4 của Tổng thống Putin tới Trung Quốc kể từ khi ông Tập nhậm chức Chủ tịch nước vào năm 2013, hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc đã nhấn mạnh tới tầm nhìn chung, phản chiếu các lợi ích thương mại, đầu tư, địa chính trị của hai nước.
“Nga và Trung Quốc rất gần gũi nhau hay gần như giống nhau trên trường quốc tế”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng hai nước đã thảo luận “việc gia tăng hợp tác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Syria và sự ổn định ở Biển Đông.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng năm nay kỷ niệm 15 năm Hiệp ước hữu nghị Nga-Trung và hi vọng rằng hai nước có thể “là bạn mãi mãi”.
“Tổng thống Putin và tôi nhất trí rằng trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp và thay đổi, chúng ta phải kiên trì hơn nữa nhằm duy trì tinh thần của hợp tác và quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung”, ông Tập nói.
Nhân chuyến thăm của ông Putin, hai nước đã ký kết hơn 30 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, cơ sở hạ tầng, quan hệ quốc tế, công nghệ và sáng tạo, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, thể thao và truyền thông.
Ông Putin và ông Tập cũng ký 2 tuyên bố chung, một nhằm “tăng cường sự ổn định chiến lược toàn cầu” và một nhằm thúc đẩy sự phát triển của thông tin và không gian mạng.
Tổng thống Nga cho hay, 58 thỏa thuận khác trị giá tổng cộng khoảng 50 tỷ USD hiện cũng đang được thảo luận, nói thêm rằng hai nước đang cố gắng đi tới một thỏa thuận về việc xây dựng đường sắt cao tốc tại Nga vào cuối năm nay.
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Nga và Trung Quốc gần đây đã xích lại gần nhau do các lo ngại địa chính trị chung, trong đó có sự cảnh giác đối với Mỹ.
Hai nước thường có chung quan điểm tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, nơi cả hai nước có quyền bỏ phiếu phủ quyết, đôi khi nhằm phản đối các nước phương Tây trong những vấn đề như Syria.
Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng với các láng giềng và Mỹ xung quanh tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết Biển Đông, nơi Bắc Kinh quân sự hóa các đảo để thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trong vùng biển chiến lược.
Trong khi đó, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ các phong trào ly khai đòi độc lập ở Đông Ukraine đã dẫn tới sự căng thẳng Đông-Tây tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cẳng căng thẳng gia tăng với phương Tây, Moscow đang tìm cách tái tập trung nguồn xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt từ châu Âu - thị trường năng lượng chính của Nga - sang châu Á và rõ ràng đang xây dựng một liên minh năng lượng với Bắc Kinh.
An Bình