1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, Trung đồng loạt vắng mặt tại Hội nghị quốc tế về Triều Tiên

(Dân trí) - Ngoại trưởng của hơn 20 nước sẽ nhóm họp tại thành phố Vancouver của Canada trong ngày mai 16/1 để thảo luận về tình hình Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đều thông báo sẽ không tham dự sự kiện này.


Hàn Quốc và Triều Tiên đang đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom (Ảnh: EPA)

Hàn Quốc và Triều Tiên đang đàm phán tại làng đình chiến Panmunjom (Ảnh: EPA)

Hội nghị quốc tế về Triều Tiên do Canada và Mỹ đồng chủ trì, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong hai ngày 16-17/1 tại thành phố Vancouver với sự tham gia của ngoại trưởng trưởng đến từ Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, cùng các quốc gia khác.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tạm lắng dịu sau khi hai bên tổ chức đối thoại cấp cao hồi tuần trước, lần đầu tiên sau 2 năm, để thảo luận về việc Bình Nhưỡng cử đoàn quan chức và vận động viên tới tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang tại Hàn Quốc trong tháng 2 tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc, nước được coi là đóng vai trò quan trọng trong giải pháp lâu dài với Triều Tiên, mới đây thông báo sẽ không tham dự hội nghị này.

“Việc tổ chức các cuộc họp mà không có sự tham gia của các bên liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thực sự không thể giúp đưa ra một giải pháp phù hợp cho vấn đề này”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố cho biết.

Bắc Kinh là một đồng minh lâu năm, đồng thời là đối tác thương mại số 1 của Bình Nhưỡng. Cộng đồng quốc tế luôn kỳ vọng Trung Quốc sẽ tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng không tham dự Hội nghị quốc tế về Triều Tiên tại Canada.

Ông Brian Hook, Giám đốc phụ trách kế hoạch chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết mặc dù không tham dự nhưng Trung Quốc và Nga sẽ được thông báo về kết quả của hội nghị sắp tới. Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao cho rằng sự vắng mặt của Trung Quốc sẽ là một rào cản, hạn chế hội nghị đạt được một kết quả thực sự.

Trong khi đó, ông Triệu Thông, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nói rằng Mỹ không muốn Nga và Trung Quốc làm xao nhãng cuộc thảo luận bằng việc đưa ra đề xuất dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Bình Nhưỡng vẫn luôn cho rằng các cuộc tập trận là biểu hiện của một cuộc xâm lược.

Mặc dù tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã giảm căng thẳng đáng kể từ sau cuộc đối thoại cấp cao liên Triều tuần trước, song Mỹ và các nước khác vẫn cho rằng cộng đồng quốc tế cần tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng theo đuổi tham vọng hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có dấu hiệu cho thấy sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ và đàm phán về yêu cầu từ bỏ chương trình hạt nhân.

“Có nhiều bằng chứng cho thấy việc tăng cường tối đa sức ép đã phát huy tác dụng tại Triều Tiên. Họ thực sự cảm thấy bị hạn chế”, ông Brian Hook cho biết.

Nhật Minh

Tổng hợp