1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga trục xuất các nhà ngoại giao Hy Lạp

(Dân trí) - Nga đã có những động thái đáp trả tương xứng sau khi Hy Lạp trục xuất hai nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện cùng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc gặp tại Athens năm 2016 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trò chuyện cùng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trong cuộc gặp tại Athens năm 2016 (Ảnh: Reuters)

Hy Lạp hồi tháng 7 thông báo đã trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm hai nhà ngoại giao khác nhập cảnh sau khi cáo buộc những người này tìm cách hối lộ các quan chức và kích động dư luận nhằm ngăn cản việc cho phép Macedonia gia nhập NATO. Tuy nhiên Nga đã bác bỏ những cáo buộc này.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 6/8 cho biết đã có biện pháp đáp trả, triệu tập Đại sứ Hy Lạp tại Moscow Andreas Friganas và trao cho nhà ngoại giao này văn bản thông báo về “các biện pháp đáp trả tương xứng từ phía Nga”. Tuy nhiên thông báo của Bộ Ngoại giao Nga không nêu cụ thể tên của các nhà ngoại giao Hy Lạp mà Moscow trục xuất cũng như thời hạn buộc họ phải rời khỏi Nga.

Hãng tin RIA (Nga) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Moscow đã quyết định trục xuất một đại diện thương mại và một nhân viên ngoại giao của Hy Lạp - người phụ trách chính sách truyền thông của Hy Lạp tại Nga. Ngoài ra, một quan chức cấp cao từ Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Đại sứ Nga tại Hy Lạp từng chỉ trích các cáo buộc của Hy Lạp nhằm vào các ngoại giao Nga là “vô nghĩa”, đồng thời cáo buộc Athens hành động khi chưa có bằng chứng. Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo về những hậu quả sau vụ việc này.

Macedonia được xem là vấn đề nhạy cảm tại Hy Lạp trong bối cảnh quốc gia này đang cần sự ổn định về chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Macedonia và Hy Lạp ký thỏa thuận lịch sử vào ngày 17/6, thống nhất đổi tên Macedonia trở thành Cộng hòa Bắc Macedonia nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm giữa hai nước này. Từ khi Macedonia tách ra khỏi Nam Tư cũ vào năm 1991, Hy Lạp phản đối tên Macedonia do trùng với tên một tỉnh ở phía bắc của Athens. Hiện thời, 2 nước đang lên kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào mùa thu năm nay. Nếu đồng thuận, việc đổi tên sẽ chính thức có hiệu lực.

Việc giải quyết cuộc tranh cãi về tên gọi được xem là động thái mở đường để Macedonia có thể gia nhập EU và NATO. Từ năm 2008, NATO đã nhất trí sẽ mời Macedonia vào khối sau khi tranh chấp được giải quyết xong.

Thành Đạt

Tổng hợp