1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga, Triều Tiên sắp ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn dự thảo hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Triều Tiên. Hiệp định dự kiến được ký kết trong chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin.

Nga, Triều Tiên sắp ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhân chuyến thăm vùng Amur (Nga) năm 2023 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 18/6 đã bắt đầu chuyến thăm 2 ngày đến Triều Tiên. Nhân dịp này, Tổng thống Putin sẽ hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thảo luận hàng loạt vấn đề như kinh tế, an ninh và các vấn đề quốc tế 2 bên cùng quan tâm.

Vài giờ trước khi Tổng thống Putin đáp máy bay xuống thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên, Moscow đã công bố sắc lệnh của Tổng thống, tuyên bố Tổng thống "chấp nhận đề xuất của Bộ Ngoại giao Nga về việc ký kết Hiệp định Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Triều Tiên".

Việc ký kết thỏa thuận sẽ diễn ra "ở cấp độ cao nhất". Sắc lệnh cũng cho phép Bộ Ngoại giao Nga "đưa ra những thay đổi đối với dự thảo thỏa thuận không mang tính chất cơ bản".

Trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, hôm qua cho biết thỏa thuận này sẽ thay thế một số thỏa thuận giữa 2 nước từ thời Liên Xô và đầu những năm 2000.

Ông Ushakov lưu ý, thỏa thuận "sẽ vạch ra những triển vọng hợp tác hơn nữa" và sẽ tính đến những diễn biến gần đây trong quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng.

Ông nhấn mạnh thêm, thỏa thuận "sẽ không mang tính đối đầu và trực tiếp chống lại bất kỳ quốc gia nào mà sẽ nhằm mục đích đảm bảo sự ổn định cao hơn ở khu vực Đông Bắc Á".

Đầu tháng này, Tổng thống Putin cho biết, Nga có ý định phát triển quan hệ với Triều Tiên. Trong một bài viết đăng trên nhật báo Rodong Sinmun của Triều Tiên hôm 17/6, nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng, Moscow và Bình Nhưỡng "sẽ phát triển các cơ chế thương mại và giải quyết thay thế mà phương Tây không thể kiểm soát, cùng nhau phản đối các hạn chế đơn phương bất hợp pháp và định hình cấu trúc an ninh bình đẳng và không thể chia cắt ở Á - Âu".

Theo RT