Nga, Triều Tiên kỳ vọng điều gì từ thượng đỉnh Putin - Kim đầu tiên?
(Dân trí) - Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc.
Triều Tiên ngày 23/4 xác nhận, Chủ tịch Kim Jong-un sẽ sớm thăm Nga và họp thượng đỉnh lần đầu với Tổng thống Vladimir Putin. Tuy giới chức hai bên chưa công bố chính xác thời gian và địa điểm diễn ra hội nghị đầu tiên giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Kim, song truyền thông dẫn các nguồn tin ngoại giao nói rằng, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ hội đàm trong 2 ngày 24-25/4.
Hai bên được cho là sẽ mang đến cuộc hội đàm những chương trình nghị sự và kỳ vọng riêng.
Mong muốn của Triều Tiên
Hội nghị thượng đỉnh lần hai về giải trừ hạt nhân giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tháng 2 không đạt được bất cứ thỏa thuận hay tuyên bố chung nào. Đó là điều mà giới lãnh đạo Triều Tiên không hề mong muốn bởi Bình Nhưỡng hy vọng hội nghị sẽ là cơ hội để Triều Tiên được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
“Các lệnh trừng phạt quốc tế bắt đầu tác động tiêu cực đến kinh tế Triều Tiên, nếu Mỹ không thay đổi lập trường, Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khó mở cửa giao thương với thế giới”, Andrei Lankov, giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul nhận định.
Do vậy, theo chuyên gia này, Triều Tiên cần tìm đến bất cứ ai có thể giúp họ đạt được mục tiêu đó. Thành tựu ngoại giao dù chỉ mang tính biểu tượng cũng sẽ giúp ích cho Bình Nhưỡng.
Alexey Muraviev, Phó giáo sư tại Đại học Curtin, Australia, cho rằng Triều Tiên muốn cho Mỹ thấy rằng “họ không hề bị cô lập”. “Nếu họ có thể cho thấy rằng các cường quốc vẫn hậu thuẫn họ, điều đó sẽ giúp Triều Tiên tăng cường vị thế đàm phán với Mỹ và Trung Quốc”. Vì vậy, Nga là một lựa chọn. “Ông Kim rất có kỹ năng trong việc tận dụng ngoại giao cấp cao để phục vụ cho lợi ích kinh tế của Triều Tiên”, chuyên gia Muraviev nhận định.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Kỳ vọng của Nga
Nga gần như phải đứng ngoài lề các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tiến hành 2 hội nghị thượng đỉnh. Bế tắc sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai có thể đưa Nga trở lại với vai trò quan trọng trong tiến trình giải trừ hạt nhân Triều Tiên.
Cũng giống Mỹ và Trung Quốc, Nga không hài lòng với việc Triều Tiên trở thành một quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, không giống Washington, Moscow chấp nhận một thực tế là phi hạt nhân hóa Triều Tiên dường như là điều không thể, vì vậy Nga muốn đối thoại với Triều Tiên nhằm ổn định tình hình.
Ngoài ra, với Nga, đó còn là vấn đề danh tiếng và uy tín. Nếu Moscow có tiếng nói trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, điều đó có thể khẳng định sự hiện diện của Nga ở khu vực.
Khó có thỏa thuận lớn
BBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, hội nghị Nga - Triều có thể sẽ không đạt được thỏa thuận lớn nào. Lee Jai-chun, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga, nhận định với BBC: “Cuộc họp sẽ chỉ là một thông điệp gửi đến chính quyền Tổng thống Trump và tới Hàn Quốc”. Cũng theo cựu đại sứ Lee, cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Putin có thể là một phần nỗ lực của ông Kim nhằm gửi thông điệp đến người dân trong nước.
Minh Phương
Theo BBC