1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động lực thúc đẩy ông Kim Jong-un lần đầu tiên tới Nga gặp Tổng thống Putin

(Dân trí) - Cả Nga và Triều Tiên đều mong muốn tăng cường hợp tác để mang lại lợi ích chung cho hai nước trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Động lực thúc đẩy ông Kim Jong-un lần đầu tiên tới Nga gặp Tổng thống Putin - 1

Tổng thống Putin (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AFP)

Trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng bữa tiệc tối với Tổng thống Vladimir Putin tuần này, khoảng 10.000 lao động Triều Tiên vẫn đang sinh sống và làm việc tại Nga.

Giới phân tích cho rằng ông Kim Jong-un đang tìm cách tăng cường liên kết kinh tế với Nga trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ lâm vào bế tắc. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể cũng tìm cách tạo đối trọng với Trung Quốc - đồng minh lớn nhất và là “phao cứu sinh” về kinh tế của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Putin dự kiến sẽ gặp mặt tại thành phố cảng Vladivostok ở phía đông Nga vào ngày 24/4 hoặc 25/4. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên kể từ khi cố lãnh đạo Kim Jong-il gặp cựu Tổng thống Dmitry Medvedev cách đây 8 năm.

Lao động nước ngoài là một trong những lĩnh vực xuất khẩu then chốt và là nguồn thu ngoại tệ lớn của Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên sẽ đưa các lao động ra nước ngoài làm việc theo các hợp đồng với các tổ chức nước ngoài. Các nhóm nhân quyền nói rằng, Triều Tiên sẽ thu lại một phần lương của các lao động này.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Nga đứng thứ hai trong danh sách các nước tiếp nhận lao động Triều Tiên sau Trung Quốc. Người Triều Tiên tới Nga làm các công việc như khai thác mỏ, đốn gỗ, may mặc và xây dựng, trong đó nhiều người làm việc tại vùng Viễn Đông. Một số lao động Triều Tiên khác làm việc tại Trung Đông.

Hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng đặt ra cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Putin mối quan tâm chung trong việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua vào tháng 12/2017, các nước thành viên của Liên Hợp Quốc phải cho hồi hương tất cả các công dân Triều Tiên đang làm việc để kiếm thu nhập tại nước đó trong vòng 24 tháng kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực.

Động lực thúc đẩy ông Kim Jong-un lần đầu tiên tới Nga gặp Tổng thống Putin - 2

Người lao động Triều Tiên làm việc tại công trường xây dựng ở Mông Cổ (Ảnh: AFP)

Trong báo cáo gửi các quan chức phụ trách lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Nga cho biết số lượng người Triều Tiên có giấy phép làm việc còn hiệu lực tại Nga đã giảm gần 2/3 vào năm 2018, từ hơn 30.000 người xuống còn 11.490 người.

Theo trang mạng NK News chuyên theo dõi tin tức về Triều Tiên, các quan chức Bình Nhưỡng tuần trước đã đề nghị Moscow tiếp tục thuê các lao động Triều Tiên ngay cả khi hạn chót do Liên Hợp Quốc đưa ra kết thúc.

Một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố cho thấy các doanh nghiệp có trụ sở tại Nga vẫn tiếp tục sử dụng tàu để vận chuyển dầu cho các tàu Triều Tiên. Đây được cho là một trong những cách để Bình Nhưỡng lách các lệnh cấm vận về dầu mỏ.

Nga đã kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Ahn Chan-il, một người đào tẩu Triều Tiên và hiện là nhà nghiên cứu tại Seoul, nói với AFP rằng: “Moscow dường như có những kế hoạch và mục tiêu dài hạn”.

“Điều quan trọng nhất là có thể tiếp cận đầy đủ với lao động giá rẻ của Triều Tiên, kiểm soát tài nguyên khoáng sản của nước này, nếu các lệnh trừng phạt hiện thời được dỡ bỏ và Triều Tiên giảm quy mô quân đội”, Ahn Chan-il nói.

Hợp tác kinh tế

Triều Tiên từng là nước giàu có hơn Hàn Quốc khi sở hữu phần lớn nguồn khoáng sản thô trên bán đảo Triều Tiên.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế, kim ngạch xuất khẩu từ Triều Tiên sang Nga chỉ dừng ở mức 1,98 triệu USD năm 2018, trong đó xuất khẩu nhạc cụ chiếm hơn 70%.

Trong khi đó, Triều Tiên nhập khẩu 21,6 triệu USD nhiên liệu khoáng sản và dầu mỏ từ Nga, trong tổng số 32,1 triệu USD kim ngạch nhập khẩu tổng thể.

Trước khi Liên Hợp Quốc bắt đầu áp lệnh trừng phạt mở rộng với Triều Tiên vào năm 2017, trong đó nhắm mục tiêu tới các ngành khoáng sản, thực phẩm và may mặc, Bình Nhưỡng và Moscow từng bắt tay hợp tác trong nhiều dự án kinh tế chung.

Một trong số các dự án là khôi phục và mở rộng tuyến đường sắt dài 54km nối cảng Rajin của Triều Tiên với vùng Khasan tại Nga.

Nga vẫn thường xuất khẩu than đá bằng đường biển tới Trung Quốc thông qua Rajin. Hoạt động này không nằm trong phạm vi bị cấm theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Nga từ lâu vẫn quan tâm tới việc vận chuyển nhiều hơn nữa kho dự trữ hydrocarbon khổng lồ của nước này thông qua bán đảo Triều Tiên tới Trung Quốc và các nền kinh tế luôn “khát năng lượng” và “đói tài nguyên” như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Năm 2011, cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un, từng tới Siberia và thảo luận về các dự án đường dẫn khí đốt và đường điện với cựu Tổng thống Medvedev. Ông Kim Jong-il qua đời 3 tháng sau chuyến đi và hai nước cho đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển về các dự án trên.

“Nga không vội vã. Tuy nhiên, Nga hiểu rất rõ rằng nếu tuyến đường sắt liên Triều được xây dựng và kết nối với Nga, nó sẽ mang lại sự phát triển cho các khu vực ít dân của Nga như Siberia”, nhà phân tích Ahn Chan-il nhận định.

Thành Đạt

Theo AFP