Nga trao quyền kiểm soát lò phản ứng hạt nhân cho Iran
(Dân trí) - Iran cuối cùng đã được tiếp quản lò phản ứng hạt nhân dân sự tại Bushehr, dự án được Tây Đức (cũ) bắt đầu từ 37 năm trước, bị ngưng trệ một thời gian dài rồi cuối cùng được Nga hoàn thành.
“Một nhóm các kỹ sư Iran sẽ đảm nhận điều hành nhà máy điện Bushehr từ ngày hôm nay”, ông Salehi cho biết trên đài truyền hình, trước lễ chuyển giao ở thành phố Bushehr, miền nam Iran.
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân này bắt đầu từ năm 1975, với sự giúp đỡ của công ty Seimens, Tây Đức (cũ). Nhưng công ty đã rút khỏi dự án sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, do lo ngại về khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. Công trình đã bị hư hại trong cuộc chiến Iraq-Iran năm 1980-88. Tới giữa những năm 1990, Nga đồng ý tiếp nhận xây dựng tiếp, với dự kiến hoàn thành ban đầu là năm 1999.
Hiện chưa rõ nhà máy có tổng chi phí bao nhiêu.
Bushehr cuối cùng được hoàn thành chậm hơn dự kiến hơn 1 thập niên và được khánh thành vào năm 2010. Tuy nhiên, phải đến năm 2011, nhà máy mới đi vào hoạt động do liên tục gặp sự cố kỹ thuật. Kể từ đó, nhà máy phải ngưng hoạt động theo định kỳ.
“Thời hạn bảo hành kéo dài 2 năm. Trong thời gian này, các chuyên gia Nga sẽ ở lại nhà máy…Nếu có vấn đề xảy ra, nhà thầu Nga sẽ chịu trách nhiệm giải quyết”, ông Salehi cho hay.
Ông cho biết thêm, sau thời gian đó, Iran sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về hoạt động của nhà máy.
Nga cũng đã đồng ý cung cấp nhiên liệu trong 10 năm theo một thỏa thuận buộc Tehran phải trả lại các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, do phương Tây lo ngại về chương trình làm giàu urani gây tranh cãi của Iran. Trong suốt nhiều năm qua, phương Tây luôn nghi ngờ tham vọng hạt nhân của Tehran là để sản xuất vũ khí.
Chính vì vậy mà một số giới chức Iran cáo buộc Nga kéo dài thời gian hoàn tất nhà máy ở Bushehr là do áp lực của Mỹ, nước đã luôn tìm cách ngăn chặn dự án Bushehr.
Các nước khác trong khu vực cũng lo ngại về nhà máy Bushehr, nhất là khi nhà máy nằm trong khu vực dễ xảy ra động đất. Tuy nhiên, cả Iran và Nga đều khẳng định nhà máy được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Theo giới chuyên gia nước ngoài, Tehran rất coi trọng cuộc chuyển giao ngày hôm nay, bởi nó chứng tỏ khả năng tự nắm bắt nguồn năng lượng hạt nhân dân sự của Iran. Từ nay, Irankhông còn phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của nước ngoài nữa.
Iran muốn sản xuất 20.000 megawatt điện từ năng lượng hạt nhân và vì vậy họ cần phải xây thêm 20 lò phản ứng 1.000megawatt nữa. Thei giới chức Iran, hiện họ đang tiếp tục đàm phán với Nga để hợp tác xây dựng thêm các nhà máy tương tự trong tương lai. “Đàm phán đang tiếp tục và rất tốt. Công việc sẽ sớm bắt đầu”, ông Salehi cho biết vào ngày hôm qua.
Vũ Quý
Theo AFP