Nga trang bị pháo 57mm trên xe BMPT thế hệ mới
Ngày 24-11, đại diện Tập đoàn Uralvagonzavod cho biết, nguyên mẫu xe chiến đấu hộ vệ tăng (BMPT) Terminator 3 được phát triển trên cơ sở khung gầm xe thiết giáp hạng nặng Armata với pháo chính cỡ 57mm nòng kép sẽ được giới thiệu chính thức tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập nhà máy sắp diễn ra.
Trước đây, các dòng BMPT của Nga đều được trang bị pháo chính cỡ 30mm.
Liên quan tới thông tin này, giới chuyên gia quân sự Nga nhận định, Uralvagonzavod đã giải quyết được vấn đề tích hợp dòng pháo phòng không ZSU-57-2 lên BMPT giúp mở rộng khả năng chiến đấu của phương tiện này. Trong quá khứ, đã có nhiều phương án tích hợp pháo 57mm lên xe chiến đấu, nhưng do thiếu phương tiện chuyên biệt, khả năng tác chiến của phương tiện tích hợp rất hạn chế do thiếu sự ổn định và độ rung lắc lớn.
“Pháo bắn nhanh cỡ lớn như 57mm đặc biệt hiệu quả chống lại bộ binh đối phương ẩn nấp trong công trình bán kiên cố hay các nhóm mang vũ khí chống tăng có điều khiển. Với đạn xuyên giáp, pháo 57mm cũng hiệu quả khi đối đầu với các đơn vị thiết giáp hạng nhẹ của đối phương. Hiện tại, tại nhiều cuộc xung đột như Lybia, Syria hay Yemen, pháo 57mm được đặt trên xe tải để tăng tính cơ động trong chiến đấu”, chuyên gia quân sự Alexey Khlopotov đánh giá.
So với pháo 30mm, pháo 57mm có lợi thế về tầm bắn, độ ổn định và hỏa lực. Đặc biệt, khi cần, nó có thể sử dụng với vai trò pháo phòng không tầm thấp.
“Hỏa lực 30mm chỉ phù hợp với các dòng xe thiết giáp hạng nhẹ, còn đối với các đơn vị BMPT cần hỏa lực mạnh mẽ hơn. Theo quan điểm của tôi, pháo chính các cỡ từ 40 tới 60mm là hợp lý”, ông A. Khlopotov cho biết.
Ngoài BMPT Terminator 3, Nga đang thử nghiệm tích hợp pháo 57mm trên các phiên bản nâng cấp của xe chiến đấu bộ binh BMP-3.
Hiện tại, Nga đã giới thiệu BMPT T-15 phát triển trên khung gầm Armata mới. BMPT mới này vẫn sử dụng mô-đun chiến đấu tương tự như trên các dòng BMPT cũ với pháo 30mm kết hợp với tên lửa chống tăng.
Nga phát triển dòng xe chiến đấu BMPT với mục đích cung cấp hỏa lực áp chế bộ binh và xe tăng đối phương trong mọi loại địa hình, trong đó có cả hình thái tác chiến đô thị (điểm yếu chí tử của tác chiến tăng).
Ưu thế của BMPT là sử dụng khung gầm xe tăng nên có khả năng bảo vệ tốt hơn so với các dòng BMP và BTR; góc nâng, hạ súng lớn và hỏa lực đa dạng đặc biệt hữu dụng khi chiến đấu trong môi trường đô thị… Hiện tại, Mỹ và phương Tây chưa có phương tiện chiến đấu có chức năng tương đương.
Theo Tuấn Sơn/ TASS
Quân đội nhân dân