1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tiêu diệt 100.000 phần tử khủng bố ở Syria

(Dân trí) - Khoảng 100.000 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong các cuộc tấn công của quân đội Nga kể từ khi Moscow tham gia cuộc xung đột tại Syria theo đề nghị của chính quyền Damascus.

Cựu Tư lệnh các lực lượng không gian vũ trụ Nga Viktor Bondarev (Ảnh: TASS)
Cựu Tư lệnh các lực lượng không gian vũ trụ Nga Viktor Bondarev (Ảnh: TASS)

100.000 phần tử khủng bố bị tiêu diệt

Theo ông Viktor Bondarev, chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga và là cựu tư lệnh các lực lượng không gian vũ trụ Nga, khoảng 85.000 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong các cuộc không kích của lực lượng không quân Nga trong hơn 3 năm kể từ khi Moscow tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

“Hơn 3 năm qua, hàng nghìn mục tiêu khủng bố, bao gồm các kho đạn dược, các thành trì, trung tâm chỉ huy, đã bị tấn công. Khoảng 100.000 phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt, trong đó khoảng 85.000 tên bị lực lượng không quân vô hiệu hóa”, ông Bondarev nói, đồng thời nhấn mạnh “tính chính xác cao của việc sử dụng các vũ khí trên không”.

“Lực lượng không quân của chúng ta đã tiến hành và sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu khủng bố”, ông Bondarev cho biết.

Theo cựu tư lệnh các lực lượng không gian vũ trụ Nga, Moscow đã thành công trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của các phần tử khủng bố, phá vỡ hàng phòng ngự của chúng và giành được thành trì về tay các lực lượng chính phủ Syria.

“Các nhiệm vụ do chúng ta đặt ra ở Syria đã hoàn tất. Phần lớn lãnh thổ Syria đã được giải phóng của các phần tử khủng bố”, ông Bondarev nói thêm.

112 quân nhân thiệt mạng

Theo ông Bondarev, một nghị sĩ cấp cao của Nga, thiệt hại về nhân sự của lực lượng quân đội Nga khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria tính đến thời điểm hiện tại là 112 người.

“Tính đến hôm nay, các lực lượng vũ trang của chúng ta đã mất đi 112 người tại Syria, trong đó các vụ rơi máy bay An-26 và Il-20 chiếm một nửa số nạn nhân”, ông Bondarev cho biết.

“Các thiệt hại về vật chất bao gồm 8 máy bay, 7 trực thăng, một hoặc hai phương tiện chở quân bọc thép và các xe bọc thép”, ông Bondarev nói thêm.

Ông Bondarev cũng điểm lại những thiệt hại trong 3 năm đầu của cuộc chiến tại Afghanistan, trong đó gần 4.800 lính Liên Xô thiệt mạng, ít nhất 60 xe tăng, 400 xe bọc thép, 15 máy bay và 97 trực thăng bị phá hủy.

“Hãy so sánh với “phương Tây tiến bộ”: trong hơn 3 năm chiến tranh Iraq (2003-2006), liên quân do Mỹ dẫn đầu đã mất đi 2.515 binh sĩ, bao gồm 2.309 lính Mỹ, khoảng từ 10-20 xe tăng Abram, vài chục phương tiện chở quân bọc thép, ít nhất 50 xe chiến đấu Bradley, 15 máy bay và khoảng 80 trực thăng”, ông Bondarev thống kê.

“Chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria đã cho thấy rằng: chúng ta (Nga) đã học được cách đối phó với một cuộc chiến. Khi các tiêu chuẩn về sức mạnh quân sự không còn là yếu tố quyết định chiến thắng, mà là cái giá phải trả cho cuộc chiến đó là như thế nào”, ông Bondarev nhấn mạnh.

Chiến dịch Syria giúp bảo vệ Nga

Máy bay Su-24 Nga trong một cuộc không kích (Ảnh: Sputnik)
Máy bay Su-24 Nga trong một cuộc không kích (Ảnh: Sputnik)

Theo ông Bondarev, chiến dịch chống khủng bố của Nga tại Syria đã giúp bảo vệ Nga trước làn sóng tấn công của những kẻ khủng bố vì nhiều phần tử khủng bố có trong tay hộ chiếu Nga.

“Khi chúng tôi bắt đầu cuộc chiến chống khủng bố tại Syria cách đây 3 năm, hơn 2/3 lãnh thổ Syria do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm Jabhat al-Nusra và các tổ chức khủng bố khác kiểm soát”, ông Bondarev nói, đồng thời cho biết các tổ chức này không chỉ hoạt động ở Trung Đông và các thành viên của chúng không chỉ có người Ả rập.

Ông Bondarev dẫn số liệu thống kê từ Bộ Tổng tham mưu Nga cho biết “khoảng 4.000 phiến quân có trong tay hộ chiếu Nga và khoảng 5.000 công dân của các nước cộng hòa hậu Xô Viết đang chiến đấu cho IS”. Ông Bondarev nói rằng đây mới chỉ là con số thống kê các đối tượng được nhận diện.

“Phần lớn các đối tượng này đều được huấn luyện bài bản và sẵn sàng tham chiến. Những đối tượng này có hộ chiếu Nga và có thể xâm nhập lãnh thổ Nga bất kỳ lúc nào. Nếu chúng ta không chiến đấu chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế từ bên ngoài lãnh thổ, làn sóng khủng bố có thể tràn về Nga”, ông Bondarev nói.

“Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã làm được hai việc rất quan trọng: Đó là chúng ta đã giải phóng Syria khỏi các phần tử khủng bố (hơn 98% lãnh thổ Syria đã được giải phóng) và chúng ta cũng bảo vệ được Nga”, ông Bondarev nhận định.

Lợi ích địa chiến lược của Nga

Theo chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga, các lợi ích địa chiến lược mà Nga nhận được sau cuộc chiến chống khủng bố tại Syria rất rõ ràng. Moscow không chỉ thành công trong việc củng cố các căn cứ ở Trung Đông, mà còn giữ vững vị thế trong thị trường năng lượng toàn cầu, đồng thời thể hiện được sức mạnh quân sự của Nga.

“Việc tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria đã giúp Nga thử nghiệm nhiều loại vũ khí và khí tài quân sự đồng thời cho thấy sức mạnh quân sự của chúng ta. Điều này giúp bảo vệ chúng ta trước các nỗ lực gây hấn của các nước NATO. Hơn nữa, Nga cũng củng cố vị thế ở Trung Đông và nâng cao vai trò của chúng ta trên toàn thế giới”, ông Bondarev nói.

“Mỹ vẫn duy trì hàng trăm căn cứ trong khi chúng ta đã rút quân khỏi những nước mà chúng ta đã giúp họ chiến đấu chống lại những kẻ gây hấn và đề xuất phương án bảo đảm chính trị quân sự cho họ. Khi chúng ta rút quân khỏi Afghanistan, chúng ta đã mất đi vị thế trong khu vực và chuyển lại vị thế đó cho Mỹ”, ông Bondarev nói.

Tuy nhiên, theo ông Bondarev, lãnh đạo Nga hiện nay sẽ không mắc lại sai lầm như trước đây. Theo đó, quân đội Nga vẫn sẽ duy trì một phần lực lượng tại Syria dù cuộc chiến chống khủng bố đã kết thúc nhằm giúp bình ổn tình hình tại quốc gia này và thiết lập các điều kiện để hồi phục Syria thời kỳ hậu chiến.

Thành Đạt

Theo RT