1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga-Thổ cùng nhìn về một hướng

Nếu là một năm trước, việc Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị một cựu sĩ quan cảnh sát của Thổ Nhĩ Kỳ sát hại chắc chắn sẽ gây chấn động, hủy hoại mối quan hệ Moskva - Ankara như những gì từng diễn ra sau vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi tháng 11-2015.

Tuy nhiên, trước lễ tang Đại sứ Andrey Karlov vào ngày 22-12, Nga vẫn không hề tỏ ý sẽ trả đũa hay trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về vụ việc này. Hai nước thậm chí còn xích lại gần nhau hơn. Sau “cú đòn” cân não này đã chứng minh, hai nước đang cùng nhìn về một hướng.

Biểu tượng của quan hệ Nga - Thổ

Ngày 19/12, Đại sứ Nga tại thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ Andrey Karlov bị bắn tử thương khi đang phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật về nước Nga. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết kẻ tấn công được xác định là Mevlut Mert Altintas, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara, đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt ngay tại khu vực triển lãm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết hung thủ sát hại Đại sứ Andrey Karlov là thành viên thuộc mạng lưới của giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 vừa qua.

Bà Marina Karlova, vợ Đại sứ Andrey Karlov chứng kiến cảnh ông bị tay súng bắn chết ngay trước mắt, nhớ lại: “Tôi nằm trên sàn nhà cùng những người khác. Có rất nhiều người ở cuộc triển lãm. Tất cả chúng tôi đều bàng hoàng trước những gì xảy ra. Tôi chỉ bình tĩnh lại khi đã trên đường tới bệnh viện. Tôi nghĩ chồng mình khi đó đã chết. Hắn đã bắn ông ấy nhiều lần. Chúng tôi không có bất kỳ vệ sĩ nào. Khi chúng tôi đến bệnh viện, Thị trưởng Ankara và các quan chức Bộ Y tế cũng đến. Họ đã nói chuyện với nhau rất lâu và sau đó thông báo rằng chồng tôi đã qua đời. Tôi rất sốc. Tôi cảm thấy đau đớn. Chồng tôi không làm gì sai cả. Thậm chí không có ai đe dọa gì ông ấy, tôi biết điều đó”, bà nói với các phóng viên.

Tại lễ tưởng niệm ông Karlov tại sân bay Ankara trước khi trở về Nga cùng thi thể của chồng, bà Marina Karlova bật khóc nức nở khi chứng kiến đội danh dự của Thổ Nhĩ Kỳ khiêng quan tài của chồng bà... Trong bài diễn văn, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tugrul Turkes nói tại buổi lễ: "Đại sứ Karlov đã trở thành biểu tượng vĩnh hằng của quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga".

Ngày 22-12, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moskva đã diễn ra lễ tang trọng thể cho Đại sứ Andrey Karlov. Tổng thống Vladimir Putin cùng nhiều lãnh đạo, chính khách, người dân đã tới dự. Đại sứ Karlov đã được Tổng thống Putin truy tặng danh hiệu Anh hùng Nga, vào ngày 21-12.

Giây phút kinh hoàng

Burhan Ozbilici, phóng viên hãng thông tấn AP, ngày 19-12, khi tới dự triển lãm ảnh "Nước Nga trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ" kể lại những gì đã chứng kiến: Sau khi Đại sứ Nga Andrey Karlov bắt đầu phát biểu, tôi tiến gần hơn để chụp ảnh, nghĩ rằng những tấm hình chụp được sẽ hữu ích để viết về mối quan hệ hai nước Thổ Nhĩ Kỳ - Nga. Giọng ông ấy rất êm tai, theo tôi là thế, tràn đầy tình yêu với quê hương. Đôi lúc ông ấy dừng lại để phiên dịch viên chuyển ngữ sang tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện diễn ra như thường lệ...

Vì thế khi một người đàn ông mặc vest đen, thắt cà vạt rút súng ra, tôi choáng váng và nghĩ rằng đó là trò đùa. Rồi Đại sứ Andrey Karlov gục xuống đất, nằm trong vũng máu. Ít nhất có 8 phát súng vang lên ở phòng tranh. Mọi người la hét, trốn sau cột nhà, trốn dưới bàn, nằm xuống sàn.

Lúc đó tôi rất sợ và bối rối, nhưng tìm được chỗ trốn sau tường và bắt đầu tác nghiệp... Thi thể đại sứ nằm dưới sàn, cách tôi chỉ vài mét. Ban đầu tôi không thấy người ông ấy có máu và nghĩ rằng ông ấy có thể bị bắn từ sau lưng. Vài giây sau, tôi mới nhận ra trước mặt mình có một người vừa chết, một sinh mệnh vừa biến mất trước mắt tôi. Tôi lùi về phía sau, trốn sang bên trái trong khi kẻ tấn công chĩa súng vào đám người co rúm ở góc bên phải.

Tay súng trong trạng thái kích động. Hắn đi vòng quanh thi thể đại sứ, đập vỡ một số ảnh treo tường. Đương nhiên là tôi rất sợ, biết là sẽ nguy hiểm nếu tay súng quay về phía mình. Nhưng tôi vẫn lấy dũng khí chụp ảnh kẻ đang quát tháo ầm ĩ trong tuyệt vọng và khách tham quan kẹt trong hội trường.

Lúc đó tôi nghĩ: 'Mình ở đây, cho dù có bị bắn, bị thương, thậm chí bị giết, mình vẫn là một nhà báo. Mình phải làm tròn phận sự. Tôi có thể chạy đi, không cần chụp ảnh nhưng biết trả lời thế nào nếu ngày sau có người hỏi: “Tại sao anh không đứng lại chụp?” Tôi thậm chí còn suy nghĩ về bạn bè và đồng nghiệp, những người đã chết khi tác nghiệp ở các vùng chiến sự trong những năm qua...

Rồi xe cứu thương và xe bọc thép nhanh chóng có mặt. Cảnh sát bao vây hiện trường. Khi quay lại văn phòng để biên tập ảnh, tôi bị sốc khi thấy tay súng đứng ngay sau đại sứ lúc ông đang phát biểu như thể một người bạn hoặc một vệ sĩ".

Không đảo lộn quan hệ

Các cuộc gặp tại Moskva giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran liên quan tới tiến trình hòa bình Syria vẫn diễn ra như đã định, bất chấp vụ ám sát Đại sứ Nga Andrey Karlov và có những lo ngại về nguy cơ tổn hại trong quan hệ giữa Moskva và Ankara.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng có nhiều giả thiết, không loại trừ nguyên nhân vụ tấn công này là hành động khiêu khích nhằm cản trở những tiến bộ trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như làm cản trở tiến trình hòa bình ở Syria. Ông khẳng định sự kiện này càng khiến hai bên “đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố”.

Trong một động thái tỏ thiện chí hợp tác, Nga đã đưa 18 nhà điều tra tới Ankara, chấp thuận lời xin lỗi của đích thân Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khi ông này tới Moskva vào ngày 20-12 để có cuộc gặp đã lên kế hoạch từ trước với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: "Khủng bố sẽ không chiến thắng, và chúng ta sẽ kiên quyết chiến đấu chống lại nó". Trong một thông điệp video được phát sóng trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan xác nhận ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga.

Nhà lãnh đạo này cho biết thêm, hai người đã nhất trí vụ ám sát Đại sứ Karlov là hành động khiêu khích của những kẻ đang tìm cách phá hoại quan hệ giữa hai nước. Người đứng đầu Ankara nhấn mạnh thêm rằng quan hệ Nga - Thổ là sự sống còn đối với khu vực và với cả chính bản thân ông Erdogan.

Tổng thống Putin cương quyết trong cuộc họp nội các. “Sẽ chỉ có một cách đáp trả duy nhất - đó là tăng cường cuộc chiến chống khủng bố. Lũ cướp sẽ cảm nhận được điều này” - ông Putin nói. Ông Putin cho biết thêm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với ông, và đôi bên nhất trí rằng các điều tra viên của Nga sẽ hỗ trợ Ankara điều tra vụ ám sát.

“Chúng ta phải biết ai là kẻ đã chỉ đạo sát thủ”, Tổng thống Putin giao nhiệm vụ cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Giám đốc Tình báo Sergei Naryshkin và Giám đốc An ninh nội địa Alexander Bortnikov.

Syria - chất keo gắn kết tương lai quan hệ Nga - Thổ

Liên quan quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc phỏng vấn với Sputnik ngày 21/12, nhà khoa học chính trị Erel Tellyal nhận định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố. Ông Tellyal nhấn mạnh: "Trong cuộc họp tại Moskva, các Bộ trưởng Ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đã thảo luận cơ chế hợp tác 3 bên về vấn đề Syria. Phía Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện thái độ kiên quyết đẩy mạnh hợp tác.

Sau vụ việc Đại sứ Nga bị sát hại, một ủy ban Thổ Nhĩ Kỳ - Nga đã được thành lập để thực hiện cuộc điều tra chung về tội ác khủng khiếp này. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển sang hợp tác mật thiết hơn trong lĩnh vực chống khủng bố. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, các thế lực đứng sau sự khiêu khích đã không đạt được mục tiêu của chúng".

Tổng thống Putin chia buồn với bà Marina Karlova tại đám tang. Ảnh: The Sun.
Tổng thống Putin chia buồn với bà Marina Karlova tại đám tang. Ảnh: The Sun.

Trang mạng "Expert.ru" đăng bài phân tích cho rằng mục tiêu thật sự của vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm giáng một "đòn chí tử" vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Cả lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều hiểu rất rõ rằng vụ khủng bố không chỉ nhắm vào ông Karlov mà còn nhắm vào ý chí chính trị của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khi hai nước đang muốn đặt hợp tác lên hàng đầu.

Hiện Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đóng vai trò là các nước trung gian bảo đảm cho cuộc đàm phán ở Syria và khẳng định trong cuộc họp 3 bên tại Moskva rằng sự hợp tác của họ có thể mở đường cho việc mang lại một giải pháp ở Syria trong tương lai.

Cuộc họp diễn ra sau vụ sát hại Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Moskva và Ankara đều cam kết rằng họ sẽ không để vụ tấn công này làm ảnh hưởng tới quan hệ song phương. Các ngoại trưởng tuyên bố rằng 3 nước sẵn sàng đóng vai trò là các nước bảo đảm cho một thỏa thuận ngừng bắn.

Sergei Fokin, nhà phân tích quân sự ở Moskva, cho rằng cuộc họp 3 bên đánh dấu bước đi quan trọng hướng tới giải quyết xung đột. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Fokin cho biết: “Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò chủ đạo, trong khi ảnh hưởng của các nhân tố khác sẽ bị thu hẹp”.

Phân tích thêm về nguyên nhân khiến Nga có thái độ kiềm chế như hiện nay, các tờ báo của Nga nhận định: sau khi Aleppo (Syria) thất thủ, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tăng lên đáng kể. Nga ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến khu vực. Tổng thống Putin muốn thúc đẩy song song với chiến thắng trên thực địa sẽ là những ưu thế trên mặt trận ngoại giao. Chính Putin chứ không phải ai khác thiết lập nên trục Nga - Iran - Thổ, nhằm đối phó với các vấn đề trên thực địa Syria.

Cuộc gặp ngày 20-12 giữa ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran được xem là bước đầu tiên trong tiến trình chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria theo lộ trình đã định. Tuy nhiên, không dễ để giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao như trên chiến trường. Xét tình hình thực tế, để có thể gia tăng ảnh hưởng của mình, Tổng thống Putin phải dựa vào sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn làm thụt lùi những tiến bộ kinh tế và ngoại giao đã đạt được với Nga trong năm qua.

Giờ đây, khi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tích cực ở sâu bên trong Syria, Ankara cần duy trì mối quan hệ hợp tác với Moskva hơn bao giờ hết. Mạng tin Bloomberg cho rằng vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm đảo lộn đà cải thiện trong quan hệ giữa hai nước.

Mạng này phân tích, trong khi Nga - Thổ - Iran siết chặt quan hệ tham gia đầy đủ vào việc thiết kế nên tương lai hậu chiến ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thay đổi chiến lược: Không mặn mà với EU và NATO vốn muốn “bỏ rơi” Thổ Nhĩ Kỳ. Tạo dựng mối quan hệ mới với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU) do Nga thúc đẩy cũng như sẽ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), thâm nhập sâu vào quan hệ đối tác Nga - Trung... và Thổ Nhĩ Kỳ được xác định là cửa ngõ quan trọng trong hội nhập Á - Âu.

Để làm được điều này, ông Erdogan đúc kết rằng Ankara phải cùng đường với Nga - Trung Quốc - Iran về lâu dài. Muốn vậy, phải lập lại hòa bình và xây dựng lại Syria, biến nơi đây thành một cửa ngõ then chốt trong chiến lược chung với các đối tác mới, tạm “quên đi” các đối tác cũ.

Hãng thông tấn Andolu dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, kẻ tấn công Đại sứ Andrey Karlov là Mevlut Mert Altinas, sinh ngày 24-6-1994, từng là thành viên lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara, đã có hơn 2 năm trong nghề. Tốt nghiệp Trường Hướng nghiệp Cảnh sát Izmir Rustu Unsal. Ngày 19-12-2016, Altintas không có nhiệm vụ tại hiện trường. Y đã sử dụng thẻ cảnh sát của mình để lẻn vào sự kiện triển lãm và ra tay sát hại Đại sứ Andrey Karlov.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm