Nga theo dõi “nhất cử nhất động” của tàu chiến Mỹ trên Biển Đen
(Dân trí) - Tàu tuần tra Pytlivy của Nga đã giám sát mọi hành động của tàu chiến Mỹ đi vào Biển Đen từ hôm 6/1 sau vụ đụng độ căng thẳng gần đây giữa Moscow và Ukraine tại khu vực này vào cuối năm ngoái.
“Tàu tuần tra Pytlivy của Hạm đội Biển Đen Nga đã tiến hành các hoạt động để giám sát động thái của tàu đổ bộ USS Fort McHenry”, Sputnik dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 7/1 cho biết.
Theo thông báo, tàu USS Fort McHenry của Mỹ đã đi vào Biển Đen từ lúc 21h ngày 6/1 theo giờ Moscow. Tới 9h30 sáng 7/1, tàu này đã tiến vào cảng Constanta của Romania.
Phó Đô đốc Lisa M. Franchetti, chỉ huy Hạm đội 6 của Mỹ, nói rằng chuyến đi của tàu USS Fort McHenry tới Biển Đen đã thể hiện cam kết của Washington với an ninh Biển Đen cũng như với các đồng minh của NATO trong khu vực. Trước đó, Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Kurt Volker hồi tháng 12 năm ngoái từng kêu gọi Washington cân nhắc khả năng tăng cường hiện diện trên biển Đen.
Kênh truyền hình Zvezda của Nga đã công bố một video ghi lại cảnh tàu USS Fort McHenry tiến vào biển Đen qua eo biển Bosphorus. Tàu của Mỹ được nhìn thấy đi qua một cây cầu vào ban đêm.
Tàu Mỹ tiến vào Biển Đen sau vụ căng thẳng Nga - Ukraine
Chuyến đi của tàu Mỹ tới Biển Đen diễn ra sau khi lực lượng an ninh Nga nổ súng và bắt 3 tàu Hải quân Ukraine cùng 24 thủy thủ tại eo biển Kerch vào tháng 11 năm ngoái với cáo buộc xâm phạm lãnh hải. Eo biển Kerch là nơi nối biển Đen và biển Azov.
Sau khi xảy ra vụ việc, giới chức Ukraine tuyên bố các tàu chiến của nước này sẽ tiếp tục đi qua eo biển Kerch với sự hỗ trợ của NATO bất chấp những cảnh báo cứng rắn của Nga. Ukraine cũng kêu gọi NATO đưa các tàu đi qua khu vực này, cho rằng đây là hành động cần thiết nhằm ngăn chặn Nga nắm toàn bộ quyền kiểm soát vùng biển nằm giữa lãnh thổ 2 nước.
Vào tháng 12/2018, Anh đã điều tàu chiến hải quân hoàng gia HMS Echo tới Biển Đen. Động thái này được cho là sự ủng hộ của London với Ukraine giữa lúc căng thẳng với Nga.
Bản đồ biển Đen và biển Azov tiếp giáp Nga, Ukraine và Crimea. (Ảnh: BBC)
Thành Đạt
Theo Sputnik