1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tham vọng đưa tuyến vận tải Biển Bắc thay thế kênh đào Suez

Sự cố siêu tàu container mắc kẹt ở kênh đào Suez là cơ hội giúp Nga quảng bá tuyến vận tải biển Bắc. Dù vậy, một số chuyên gia nhận định đây vẫn là tuyến đường nguy hiểm đối với các hoạt động thương mại.

Siêu tàu container Ever Given dài 400 mét đã được giải cứu thành công sau 6 ngày mắc kẹt ở kênh đào Suez và khiến hàng trăm tàu thuyền không thể lưu thông trên tuyến vận tải quan trọng này.

Sự cố này là cơ hội để giới chức Nga thúc đẩy tuyến vận tải phương Bắc (NSR), một hành lang hàng hải Bắc Cực mà Nga đang "đặt cược lớn".

Nga tham vọng đưa tuyến vận tải Biển Bắc thay thế kênh đào Suez - 1

Nga tham vọng đưa tuyến vận tải Biển Bắc thay thế kênh đào Suez. Ảnh: Structure

Biển Bắc trở thành tuyến vận tải tiềm năng

Hôm 25/3, một quan chức của Nga cùng công ty hạt nhân nhà nước Rosatom - công ty phụ trách việc phát triển NSR, cho rằng, sự cố ở kênh đào Suez cho thấy "tuyến vận tải giữa châu Âu và châu Á này mong manh tới mức nào".

"Sự phát triển của NSR có thể giúp khắc phục những rủi ro hậu cần và khiến thương mại toàn cầu bền vững hơn. Chắc chắn những nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tính tới kịch bản phong tỏa kênh đào Suez để cân nhắc các kế hoạch chiến lược dài hạn", quan chức phụ trách phát triển Bắc Cực của Nga, Vladimir Panov, nói với hãng thông tấn Interfax.

Ông Nikolai Korchunov, một quan chức cấp cao khác cũng phụ trách kế hoạch phát triển Bắc Cực của Nga, nói rằng sự cố ở kênh đào Suez đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra những lựa chọn thay thế khác, mà trước tiên là tuyến Biển Bắc.

"Nhu cầu về tuyến Biển Bắc sẽ gia tăng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Không có sự lựa chọn nào khác", ông Korchunov nói với hãng thông tấn TASS.

Nga đã đầu tư mạnh tay vào tuyến Biển Bắc, theo đó cắt ngắn 7.400km lộ trình giữa châu Âu và châu Á so với tuyến kênh đào Suez. Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2018 đã yêu cầu đến năm 2024, vận tải hàng hóa qua tuyến biển Bắc phải tăng lên 80 triệu tấn, tăng so với 11 triệu tấn năm 2017.

Bộ Năng lượng Nga ngày 29/3 cũng cho biết, vận tải hàng hóa qua tuyến này năm 2020 đạt gần 33 triệu tấn, và có tiềm năng lớn sẽ tăng mạnh sau sự cố ở kênh đào Suez.

Thời gian tàu thuyền có thể lưu thông ở NSR cũng ngày càng tăng và trong năm 2020 là 9-10 tháng.

Thời tiết ấm dần lên cho phép tàu thuyền lưu thông qua NSR nhiều hơn, với 62 lộ trình tính đến tháng 12/2020, trong khi năm 2019 chỉ có 37 lộ trình có thể lưu thông.

Chưa thực sự cạnh tranh về thương mại?

Theo bà Elizabeth Buchanan, giảng viên về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Deakin, Australia, dù băng tan ở Bắc Cực khiến các hoạt động của con người tại khu vực này trở nên dễ dàng hơn, thì NSR cũng chưa thực sự là một lựa chọn tốt xét về cạnh tranh thương mại.

Nga tham vọng đưa tuyến vận tải Biển Bắc thay thế kênh đào Suez - 2

Tuyến NSR có thể rút ngắn 7.400km lộ trình giữa châu Âu và châu Á so với tuyến kênh đào Suez. Ảnh: RT

Tính chất không thể dự đoán trước được của băng Bắc Cực đồng nghĩa với việc tiền bảo hiểm sẽ vẫn đắt đỏ so với các lộ trình khác. Mức độ nguy hiểm cùng các tiêu chuẩn ngặt nghèo của Nga có thể sẽ khiến các hãng vận tải không mặn mà với NSR. Bên cạnh đó, việc thiếu cảng biển cùng các kết nối vận tải khác dọc lộ tuyến đường này cũng là những yếu tố quan trọng trong các tính toán về thương mại.

Dù 33 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua tuyến Biển Bắc năm 2020 là con số kỷ lục, nhưng phần lớn là của phương Tây và lưu lượng giữa châu Âu và châu Á vẫn chỉ ở mức vừa phải. Rosatom đã đề nghị Bộ Giao thông Nga hạ mục tiêu hàng hóa xuống 60 triệu tấn vào năm 2024.

Bà Buchanan nhận định, dù sự cố phong tỏa kênh đào Suez có thể khiến các tuyến vận tải qua đất liền và các dự án đường ống dẫn của Nga trở nên hấp dẫn hơn, nhưng với việc thiếu các dự án năng lượng lớn sử dụng NSR và phát triển cơ sở hạ tầng hỗ trợ vận tải biển trong khu vực, đây chưa phải là một hành lang hàng hải toàn cầu có hiệu quả.

Dù vậy, những tính toán địa chính trị khiến sự chú ý đổ dồn vào Bắc Cực sẽ vẫn là một xu hướng quan trọng.

Quân đội Nga đã dành nhiều năm để tân trang các cơ sở cũ ở Bắc Cực, điều động thêm nhiều đơn vị tới đây. Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/3 cho biết, quân đội đã đưa vào hoạt động 791 tòa nhà và cấu trúc ở Bắc Cực từ năm 2013.

Trong khi đó, lo ngại về hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực, các nước NATO, cũng đang gia tăng hoạt động ở đó, đặc biệt là Mỹ - nước có chung "ranh giới" Bắc Cực với Nga ở Eo biển Bering.

Trong tháng 3 này, quan chức hàng đầu Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ nói rằng Mỹ và Canada đang lên kế hoạch về một Hành lang Tây Bắc, kết nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương qua vùng Bắc cực của Canada.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm