1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tẩy chay cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Crimea

(Dân trí) - Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/3 sẽ có cuộc họp bàn về tình hình Crimea, theo sáng kiến của Lithuania. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Nga khẳng định sẽ tẩy chay cuộc họp.

Đoàn đại biểu Nga sẽ không dự phiên họp của Hội đồng Bảo an về Crimea (Ảnh: Tass)
Đoàn đại biểu Nga sẽ không dự phiên họp của Hội đồng Bảo an về Crimea (Ảnh: Tass)

Theo hãng tin Nga Itar Tass, cuộc họp kín sẽ có sự tham dự của nghị sỹ Ukraine Mustafa Dzhemilev, cựu lãnh đạo của cộng đồng người Tatar tại Crimea, và đại diện của nhóm phái viên hiện trường về nhân quyền tại Crimea.

Cuộc họp sẽ bắt đầu lúc 19 giờ (giờ GMT) theo “công thức Arria”, trong đó cho phép các thành viên Hội đồng Bảo an trao đổi quan điểm một cách kín đáo với sự tham dự của những người không phải đại diện chính thức của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Tùy viên báo chí thường trực của Lithuania Ruta Jazukeviciute cho biết không chỉ các thành viên Hội đồng bảo an, mà tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều được mời tham gia thảo luận.

“Mục tiêu của cuộc họp là nhằm cho họ có hội có được thông tin chính thức về tình hình nhân quyền và tự do của truyền thông đại chúng, cũng như tình hình của những người dân tộc thiểu số, và tìm hiểu những sự kiện mới nhất tại Crimea và Đông Ukraine”, bà Jazukeviciute cho biết.

Các đại biểu cũng có thể thảo luận về khả năng Hội đồng Bảo an và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) giữ vai trò nào đó trong việc ổn định cuộc khủng hoảng Ukraine.

Đai diện của Nga tại Liên Hợp Quốc khẳng định sự kiện này là “phản tác dụng và có tính khiêu khích”. “Nó không liên quan tới hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đoàn đại biểu Nga sẽ không tham gia, và như chúng tôi biết, đại biểu một số quốc gia khác cũng không dự”, thông báo cho biết.

Thời Liên Xô cũ, Crimea từng là một phần của Nga cho tới năm 1954, khi bí thư thứ nhất đảng Cộng Sản Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định “tặng” bán đảo này cho Ukraine.

Đến tháng 3 năm ngoái, bán đảo này được sáp nhập về lại Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý với đa số phiếu tán thành.

Thanh Tùng
Theo Itar Tass