1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tập trận lớn với Trung Quốc và Belarus giữa căng thẳng với phương Tây

Nga có kế hoạch tổ chức 2 cuộc tập trận liên tiếp với hàng nghìn binh lính tham gia cùng Trung Quốc và Belarus dọc biên giới phía đông và phía tây, giữa bối cảnh căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.

Hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn

Cuộc tập trận đầu tiên mang tên Zapad-Interaction, hay West-Interaction 2021 dự kiến bắt đầu ngày 9/8 tại Căn cứ Huấn luyện Tác chiến chung Thanh Đồng Hạp ở khu tự trị Hồi Ninh Hạ của Trung Quốc. Cuộc tập trận chung này đã được quân đội Nga và Trung Quốc thông báo vào tuần trước với quy mô khoảng 10.000 binh lính cùng nhiều vũ khí và trang thiết bị từ hai bên.

Nga tập trận lớn với Trung Quốc và Belarus giữa căng thẳng với phương Tây - 1

Binh lính Nga đứng gác tại địa điểm huấn luyện quân sự Asipovichy trong cuộc tập trận Zapad 2017 ở Asipovichy, Belarus. Ảnh: Getty

Đây là cuộc tập trận chiến lược liên tiếp lần thứ tư giữa 2 nước và là cuộc tập trận đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc.

"Với nhiệm vụ chống khủng bố và duy trì sự ổn định, cuộc tập trận chung Zapad-Interaction 2021 là dịp để quân đội Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận tấn công các lực lượng khủng bố thuộc các nhóm khác nhau. Các lực lượng đặc nhiệm của hai bên sẽ hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ các cao điểm và hào chiến theo kế hoạch vạch sẵn, sau đó tiến hành thâm nhập sâu vào phía kẻ thù", quân đội Trung Quốc cho hay.

Nga và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ trên lĩnh vực công nghệ và quân sự trong những năm gần đây đồng thời nhấn mạnh về mối liên kết này trong tháng qua khi hai bên tổ chức kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Hợp tác thân thiện và Láng giềng hữu nghị.

Hiện nay, Moscow và Bắc Kinh trở nên thân thiết hơn bao giờ hết và đang chủ động thể hiện sự đoàn kết đó khi hai bên cùng nhau giải quyết những vấn đề quốc tế chung, trong đó có mối đe dọa từ sự bất ổn ở Afghanistan, hiện có thể lan ra Trung Á khi những binh lính Mỹ cuối cùng rời đi vào cuối tháng này.

Quân đội Nga và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng sẽ tiến hành một cuộc tập trận nữa vào tháng tới như một phần trong cuộc tập trận Sứ mệnh Hòa bình 2021 theo khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Các cuộc tập trận này cũng tập trung vào nội dung chống khủng bố và bao gồm cả các thành viên của SCO như Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan.

Cũng trong tháng 9, Nga có những kế hoạch cho cuộc tập trận lớn cách Đông Âu hàng nghìn km.

Bắt đầu từ 10/9, một cuộc tập trận khác mang tên Zapad sẽ diễn ra ở Belarus. Các cuộc diễn tập dự kiến sẽ có khoảng 12.800 binh lính tham gia, chủ yếu đến từ Belarus và khoảng 2.500 binh lính Nga thuộc Quân khu phía Tây, cùng với 50 binh lính của Kazakhstan đóng góp vào Lực lượng Phản ứng nhanh Tập thể thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh gồm 3 quốc gia trên cùng với Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan.

"Cuộc tập trận chung Zapad-2021 là một cuộc tập trận phòng thủ tái khẳng định lập trường của nước Cộng hòa Belarus là thúc đẩy an ninh khu vực và những cam kết với Nga", Thứ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Gulevich cho hay.

Cuộc tập trận này diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng giữa Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và phương Tây leo thang. Nga cam kết sẽ ủng hộ Belarus trước những sự kiện đe dọa đến sự ổn định của nước này.

Cuộc tập trận chung vào tháng tới "dựa trên nguy cơ khủng hoảng leo thang và xung đột xảy ra liên quan đến hoạt động ngày càng gia tăng của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, các nhóm ly khai và các tổ chức khủng bố quốc tế có sự ủng hộ từ bên ngoài".

Những "cơn đau đầu" mới của Nga

Tình hình bất ổn ở Afghanistan cũng khiến Nga phải tăng cường các cam kết của Quân khu Trung ương với các đối tác ở Trung Á. Quân khu phía Nam cũng đối mặt với những "cơn đau đầu mới" khi giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan bùng phát trở lại, trong khi quân đội Mỹ mở rộng sự hiện diện tại châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra những mối lo ngại chiến lược cho Nga.

Những lo ngại này tăng lên khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Những diễn biến mới đã khiến Nga tăng tốc trong cuộc đua phát triển các vũ khí và công nghệ hiện đại nhằm đối phó với điều mà điện Kremlin gọi là lá chắn tên lửa toàn cầu được dựng lên dọc biên giới nước này.

"Chúng tôi đang đối mặt với một số động thái từ Mỹ và NATO liên quan đến việc xây dựng các khu vực phòng thủ tên lửa đạn đạo, triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn ở Romania và những nước có biên giới sát với chúng tôi", người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết hồi tháng trước.

Moscow cho rằng những hệ thống phòng thủ trên có thể được sử dụng để tấn công.

"Đây là những hệ thống có thể tiến hành tấn công tên lửa. Điều đó buộc Nga phải đưa ra các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh và sự cân bằng hiện tại", ông Peskov nhận định.

Hàng loạt căng thẳng cùng với những lao dốc trong quan hệ ngoại giao với Mỹ đã khiến Nga thúc đẩy quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Hai nước đối đầu với Mỹ trở nên thân thiết hơn bao giờ hết với sự mở rộng hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho tới quốc phòng.