Nga tăng cường sức mạnh hải quân, "lên dây cót" trận chiến lớn với NATO?
(Dân trí) - Việc Nga mở rộng lực lượng hải quân đã làm dấy lên lo ngại về khả năng Moscow chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với NATO.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, Nga đang mở rộng năng lực hải quân và triển khai sức mạnh hải quân ra ngoài Ukraine và Đông Âu để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với NATO và các đồng minh.
Theo thông cáo báo chí từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ thượng cờ, đưa vào biên chế hai tàu ngầm hạt nhân tại nhà máy đóng tàu Sevmash, địa điểm sản xuất tàu ngầm lớn của Nga ở Severodvinsk.
Tại buổi lễ, Tổng thống Putin cho biết hai tàu ngầm sẽ được gửi tới Viễn Đông và nhiều tàu hải quân khác sẽ được chế tạo và đưa vào hoạt động trong những năm tới.
"Việc tăng cường sức mạnh hải quân của Nga chắc chắn sẽ tiếp tục. Trong những năm tới, như một phần của chương trình vũ khí nhà nước, thêm 3 tàu chiến lược lớp Borei-A sẽ được hạ thủy từ nhà máy Sevmash huyền thoại và chuyển giao cho hải quân. 5 tàu ngầm lớp Yasen-M đang được chế tạo cùng lúc", ông Putin nhấn mạnh.
ISW tin rằng các mục tiêu của Nga đầy tham vọng vì để hạ thủy các tàu hải quân mới đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, động thái này có thể cho thấy ý định của lãnh đạo Nga nhằm "đưa việc mở rộng lực lượng hải quân vào nỗ lực mở rộng lực lượng quân sự về dài hạn".
Theo ISW, Nga cũng từng phô trương sức mạnh hải quân ở khu vực Thái Bình Dương và Moscow có thể coi việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO là một mối đe dọa ở khu vực Bắc Cực. Do vậy, Nga có thể "có ý định tăng cường năng lực hải quân".
"Nỗ lực tái cơ cấu và mở rộng lực lượng của quân đội Nga về dài hạn nhằm chuẩn bị cho Nga trước một cuộc chiến quy mô lớn trong tương lai chống lại NATO, và việc cam kết cung cấp nguồn lực hải quân tới các khu vực ngoài Ukraine và Đông Âu có thể nhằm đe dọa NATO và các đồng minh trên nhiều khu vực", ISW nhận định.
Trong số hai tàu ngầm mới ở Severodvinsk, một chiếc là tàu mang tên lửa chiến lược lớp Borei - chiếc thứ bảy thuộc loại này - được gọi là Hoàng đế Alexander III, được hạ thủy vào ngày 29/12 năm ngoái.
Tàu ngầm lớp Borei có khả năng phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava với khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 8.000km. Tàu ngầm mới đã tiến hành thành công vụ phóng thử tên lửa này vào tháng trước.
Một tàu ngầm khác, tàu ngầm mang tên lửa hành trình Krasnoyarsk (tàu ngầm lớp Yasen-M), là chiếc thứ ba của lớp này và được hạ thủy vào tháng 7/2021. Hãng tin TASS cho biết, Nga đã thử nghiệm thành công vụ phóng tên lửa hành trình Kalibr và Oniks từ tàu ngầm mới vào tháng trước.
Mặc dù Hạm đội Biển Đen của Nga từng trở thành mục tiêu của các vụ tấn công trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, song Moscow vẫn duy trì được lực lượng tàu ngầm đáng gờm có thể đe dọa các lực lượng phương Tây.
Theo dữ liệu từ Điện Kremlin, Nga sở hữu tàu ngầm lớn nhất thế giới, K-329 Belgorod chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu Belgorod hạ thủy vào năm 2019 và được biên chế hồi tháng 7. Con tàu dài 178m, rộng 15m và mức choán nước 30.000 tấn. Tàu được trang bị ngư lôi hạt nhân Poseidon, 1 trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố năm 2018.
Các tàu ngầm của Nga được cho là có khả năng phá hủy các dây cáp dưới biển. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động liên lạc của phương Tây.