1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga sẽ kiện Pháp vì hoãn chuyển giao tàu chiến?

(Dân trí) - Hãng tin Itarr-Tass ngày 25/11 dẫn lời Thứ trưởng quốc phòng Nga Yuri Borisov nói rằng Mátxcơva sẽ tuân chủ chặt chẽ theo hợp đồng tàu chiến Mistral đã ký với Pháp và sẽ kiện nếu tàu không được bàn giao.

Tàu chiến lớp Mistral neo đậu tại Pháp.
Tàu chiến lớp Mistral neo đậu tại Pháp.

"Nga sẽ hành động tuân thủ theo hợp đồng. Nếu họ không bàn giao nó cho chúng tôi, chúng tôi sẽ kiện họ và yêu cầu trả tiền phạt. Hành động của Nga tuân thủ chặt chẽ theo hợp đồng đã ký kết", Thứ trưởng Borisov nói.

Bình luận trên của ông Borisov diễn ra sau khi Tổng thống Pháp Francis Hollande ra tuyên bố về việc hoãn vô thời hạn việc chuyển giao tàu chiến Mistral cho Mátxcơva.

Thông báo cho hay, do tình hình hiện thời ở đông Ukraine vẫn chưa cho phép chuyển giao tàu lớp Mistral đầu tiên mà Pháp chế tạo cho Nga nên Pháp đã quyết định hoãn chuyển giao tàu chiến cho Mátxcơva cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Năm 2011, Pháp đã ký hợp đồng đóng 2 tàu chở trực thăng hiện đại lớp Mistral cho Nga với tổng trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,6 tỷ USD).

Tàu chiến Mistral có thể chở 16 trực thăng, 4 tàu đổ bộ, 13 xe tăng, 450 binh sĩ và một bệnh viện.

Theo kế hoạch ban đầu, tàu chiến Mistral đầu tiên phải được bàn giao cho Nga vào ngày 14/11, nhưng giới chức Pháp đã hoãn việc này. Tổng thống Pháp nhiều lần nói rằng tình hình hiện thời ở miền đông Ukraine chưa cho phép chuyển giao tàu chiến.

Nga vẫn hi vọng quyết định của Paris về việc chuyển giao tàu Mistral đầu tiên, tên gọi Vladivostok. Nếu Pháp không tuân thủ hợp đồng do sức ép của phương Tây, Paris sẽ nợ Mátxcơva hàng triệu euro tiền phạt, Itarr-Tass viết.

Trong khi đó, hãng tin Ria Novosti của Nga ngày 25/11 lại dẫn lời Thứ trưởng quốc phòng Yuri Borisov rằng Mátxcơva hiện không có kế hoạch kiện Pháp.

"Không, chúng tôi không có kế hoạch tiến hành bất kỳ vụ kiện tụng nào ở thời điểm hiện tại. Mọi điều đã ghi rõ trong hợp đồng và chúng tôi sẽ tuân thủ hợp đồng, giống như tất cả những người khác đã làm", ông Borisov nói.

Hồi đầu tháng 11, một nguồn tin cấp cao nói với hãng tin Ria Novosti rằng Nga sẽ cho Pháp tới hạn chót là cuối tháng 11 để bàn giao tàu Mistral và sẽ đưa ra các tuyên bố pháp lý nghiêm trọng nếu Paris không tuân thủ các điều khoản hợp đồng.

Về mặt lý thuyết, Pháp có thể phải trả tiền phạt và trả tiền đặt cọc cho Nga, các nguồn tin Pháp cho hay.

Quan hệ giữa Nga và châu Âu đã suy giảm nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine khi phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề của Ukraine, một cáo buộc đã bị Mátxcơva nhiều lần bác bỏ.

Nói về quan hệ Nga, Pháp tại thượng đỉnh G20 ở Úc, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng quan hệ xây dựng lâu đời giữa hai nước không nên bị tổn hại bởi những thời kỳ "sóng gió" trong các vấn đề chính trị thế giới và rằng cả Nga và Pháp phải nỗ lực hết sức có thể để tối thiểu hóa các rủi ro tiềm tàng đối với mối quan hệ song phương.

"Tiến thoái lưỡng nan"

Tàu chiến lớp Mistral neo đậu tại Pháp.
Lãnh đạo Nga, Pháp mới gặp nhau tại thượng đỉnh G20 hồi giữa tháng 11 và kêu gọi tối thiểu hóa các rủi ro đối với quan hệ 2 nước. 
 
Paris đang đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan" liên quan tới tàu chiến Mistral.

Pháp có thể đối mặt với những khoản tiền phạt lớn nếu vi phạm hợp đồng. Nhưng Paris cũng có nguy cơ khiến các đồng minh khắp thế giới nổi giận nếu nhất quyết bàn giao tàu chiến.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, Pháp không muốn giữ hai tàu chiến khổng lồ và không được nhận tiền.

Việc bán tàu chiến cho một khách hàng khác là không thể vì công nghệ Nga đã được lắp đặt trên đó, mà Mátxcơva không muốn bất kỳ một quốc gia nào khác có được nó. Công nghệ Nga về mặt kỹ thuật cũng không tương thích với các hệ thống quân sự của phương Tây.

Do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Pháp đã chịu sức ép mạnh mẽ từ các đồng minh, đặc biệt là Mỹ, nhằm hoãn việc chuyển giao tàu chiến. Nhưng Paris không muốn "đóng băng" thỏa thuận do chi phí pháp lý của việc vi phạm hợp đồng.

Paris trước đó đã hi vọng rằng một thỏa thuận ngừng bắn ở đông Ukraine được ký kết hồi tháng 9 sẽ mở đường cho việc chuyển giao tàu chiến, nhưng tình hình tại đông Ukraine vẫn không được cải thiện kể từ đó.

Trong khi đó, khoảng 400 thủy thủ Nga hiện vẫn đang được huấn luyện tại Saint-Nazaire, phía tây nước Pháp, nơi tàu Vladivostok đang neo đậu, để tiếp tục công việc của họ cho tới khi số phận của các tàu chiến được định đoạt.

Vào chiều qua 25/11, vài chục thủy thủ được nhìn thấy huấn luyện hoặc chạy bộ trên một bến cảng gần đó trong khi tàu Vladivostok vẫn neo đậu ngay ngoài khơi, hướng mũi ra phía biển, nhưng hiện thời sẽ vẫn ở nguyên đó.

An Bình
Theo BBC, AFP