1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sẽ đem khỉ lên sao Hoả

(Dân trí) - Các nhà du hành vũ trụ Nga đã quyết định biến những chú khỉ thành đội quân tiên phong thám hiểm sao Hoả - đích chinh phục tiếp theo của loài người, sau Mặt Trăng.

Vì sự an toàn cho các phi hành gia, những chú khỉ sẽ là đối tượng đầu tiên thử mức độ phóng xạ trên sao Hoả. Viện nghiên cứu động vật linh trưởng Sochi, ở Vesyoloye, gần Biển Đen, có lịch sử đáng nể trong việc tham gia vào chương trình thám hiểm không gian của Nga, trước đây là Liên bang Xô Viết.

 

“Người và khỉ có mức độ phản ứng gần như giống hệt nhau trước những lượng phóng xạ lớn nhỏ. Vì thế dùng khỉ, thay vì chó hay các loài vật khác để thử mức độ nguy hiểm của phóng xạ trên sao Hoả là tốt hơn cả,” ông Boris Lapin, Giám đốc Viện nói.

 

Viện này sẽ lựa chọn những con khỉ có thể bay lên sao Hoả. Sau hai năm thử nghiệm, 40 con phù hợp nhất sẽ được gửi đến Viện các vấn đề y-sinh học ở Mátxcơva để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm.

 

Các thí nghiệm thực hiện trên khỉ sẽ được tiến hành song song với dự án Mars-500. Dự kiến triển khai vào đầu năm sau, dự án này nhằm thử nghiệm các điều kiện khắc nghiệt trong chuyến bay giả định lên sao Hoả. Các phi hành gia tự nguyện tham gia dự án sẽ phải trải qua 17 tháng sống trong tàu vũ trụ thử nghiệm tại Mátxcơva.

 

Chuyến chinh phục sao Hoả thực sự nhiều khả năng sẽ chỉ có thể diễn ra sớm nhất là sau 10 năm nữa.

 

Ngoài những ảnh hưởng của phóng xạ, các nhà khoa học vũ trụ còn muốn quan sát phản ứng của khỉ trong tình trạng cách ly, không trọng lượng kéo dài cùng với chế độ dinh dưỡng đặc biệt với nước ép và thực phẩm nghiền.

 

Giám đốc dự án Mars-500, ông Viktor Baranov, cho biết 520 ngày đủ để thực hiện một chuyến bay tới sao Hoả và trở về - 250 ngày đi, 250 ngày về và khoảng 1 tháng lưu lại trên sao Hoả.

 

Hiện nay, Nga là một trong số ít nước còn thực hiện các thí nghiệm trên động vật linh trưởng. “Mỗi năm loài người sử dụng hơn 100 triệu con vật vào các thí nghiệm phục vụ sức khoẻ và sắc đẹp. Đã đến lúc cần nghĩ đến giải pháp thay thế động vật trong các cuộc thí nghiệm. Tôi chắc chắn là các nhà khoa học sẽ lặp lại câu chuyện Laika, con chó đầu tiên du hành vũ trụ. Ngày nay chẳng còn gì bí mật về chuyện Laika đã chết vì sức nóng và sợ hãi chỉ vài giờ sau khi vệ tinh Sputnik 2 được phóng đi,” ông Andrei Zbarsky, chuyên gia của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), nói.

 

Ông Lapin, Giám đốc Viện nghiên cứu động vật linh trưởng Sochi, thừa nhận rằng viện của ông đã nhận được ý kiến phản đối của các đồng nghiệp châu Âu về việc thí nghiệm trên động vật.

  

Viện cũng khẳng định rằng việc này không gây ảnh hưởng đến công tác bảo tồn vì học có một chương trình gây giống khỉ để phục vụ công tác thí nghiệm chứ không bắt trong tự nhiên.

 

 

Nga sẽ đem khỉ lên sao Hoả  - 1
 

Chú khỉ Krosh hiện vẫn khoẻ mạnh, sau

 chuyến bay vào quỹ đạo năm 1992 

Đây cũng không phải là lần đầu tiên người ta có ý tưởng đưa khỉ vào không gian. Trong các chuyến thám hiểm trước đây của Nga và Liên Xô cũ đã có 12 con khỉ cùng bay vào vũ trụ với các phi hành gia.

 

Abrek và Bion là hai con đầu tiên, vào tháng 12/1983. Hai năm sau, hai con khỉ khác là Verny và Gordy đã trải qua chuyến bay kéo dài 7 ngày trong không gian. Năm 1987, hai con Dryoma và Yerosha thực hiện hành trình 2 tuần trong quỹ đạo.

 

Sau đó còn có 3 chuyến bay kéo dài 2 tuần, vào các năm 1989, 1992 và 1996. Sau đó, dự án này dừng lại do thiếu kinh phí. Giờ đây, việc thí nghiệm được thực hiện trên mặt đất, với các điều kiện khắc nghiệt và không trọng lượng mô phỏng các chuyến bay thật.

 

Đặc biệt, con khỉ 16 tuổi, Krosh, là một ngôi sao của Viện, với thành tích bay trong quỹ đạo vào năm 1992, trở về khoẻ mạnh cho tới tận hôm nay, và đã có con. “Điều này chứng tỏ chuyến bay vào không gian không gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con khỉ,” nhà nghiên cứu Shaginyan nói.

 

Nhật Linh

Theo BBC