1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga sắp hạ thủy tàu siêu mạnh, Việt Nam rất muốn có

Theo tin của giới chức quốc phòng Nga, tàu hộ vệ hiện đại nhất thế giới thuộc đề án 20385, lớp Gremyashy của nước này sẽ hạ thủy vào năm 2017.

Tàu hộ vệ mạnh nhất thế giới hạ thủy vào năm 2017

Ngày 18-2, giới chức công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, tàu hộ tống được coi là mạnh nhất thế giới, mang tên lửa hành trình tầm xa Kalibr và hệ thống phòng không hạm thế hệ mới nhất Redut-Poliment của nước này chuẩn bị được hạ thủy trong thời gian tới.

Tàu hộ tống đầu tiên mang tên Gremyashy, trong đề án tàu hộ vệ tiên tiến nhất Project 20385 (lớp cùng tên với tàu), sẽ được hạ thủy và bắt đầu thử nghiệm vào năm 2017 - theo bà Olga Danilevskaya, Thư ký báo chí của Nhà máy đóng tàu "Severnaya Verf".

Hãng thông tấn Nga RIA Novosti hôm 18-2 cho biết, tàu hộ vệ Gremyashy được khởi đóng tại Nhà máy "Severnaya Verf" vào năm 2012. Do áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến và các hệ thống vũ khí mới nên dù tàu có lượng giãn nước không lớn, nhưng thời gian đóng tàu dài hơn các lớp khác.

Ban đầu, mẫu tàu hộ tống của đề án 20385 dự trù chế tạo với việc sử dụng các thiết bị nhập khẩu, trong đó có trạm phát điện, nhưng sau khi diễn ra tình trạng áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, đề án đã được chỉnh sửa phù hợp với chính sách thay thế nhập khẩu.

Vào năm 2013, theo công bố của Nhà máy đóng tàu Severnaya Verfi, trong chương trình vũ khí nhà nước Nga hiện đang triển khai và sẽ hoàn thành vào năm 2020, Hải quân Nga đã đặt hàng nhà máy đóng cho 10 tàu thuộc Project 20385.

Tàu hộ vệ lớp Gremyashchy có khả năng chống hạm/đối đất/phòng không rất mạnh
Tàu hộ vệ lớp Gremyashchy có khả năng chống hạm/đối đất/phòng không rất mạnh

Tuy nhiên, sau đó thư ký báo chí của Severnaya Verf là bà Olga Vilde cho biết, sau khi cắt giảm các chương trình đóng tàu hạng nặng, nhu cầu hiện nay của Hải quân Nga đối với tàu hộ vệ cỡ vừa thuộc Project 20385 lên tới gần 20 chiếc, để phân bổ đều 4 hạm đội.

Theo tuyên bố của giới chức công nghiệp quốc phòng Nga, giá của chiến hạm lớp Gremyashchy chỉ vào khoảng 12,5 tỷ rúp, tính theo tỷ giá trước khi đồng Rúp lao dốc vào tháng 1/2014 (33 Rúp đổi được 1 USD) là khoảng 378 triệu USD.

Đây là một cái giá quá rẻ cho những tính năng ưu việt của chiếc tàu hộ vệ có lượng giãn nước chỉ hơn 2000 tấn một chút. Do đó, một số chuyên gia quân sự đã nhận định rằng, các tàu hộ vệ lớp này sẽ có một tương lai rất tươi sáng trong thị trường xuất khẩu vũ khí hải quân.

Tính năng mạnh nhất thế giới của tàu hộ vệ lớp Gremyashchy

Tàu hộ vệ Project 20385, lớp Gremyashchy là thiết kế cải tiến vượt trội từ nguyên mẫu tàu hộ vệ hạng nhẹ Project 20380 Steregushchy, 2 mẫu này (cùng với tàu Project 22350 và Project 20381) đều do Nhà máy đóng tàu Severnaya Verfi chế tạo.

Hiện tại đã có 2 chiến hạm thuộc Dự án 20385 được khởi đóng cho hải quân Nga là chiếc Gremyashchy (hạ thủy 2-2-2012) và Provorniy (hạ thủy 25-7-2013). Chúng sẽ được biên chế đầu tiên cho Hạm đội Biển Bắc, sau đó mới đến các Hạm đội khác của Nga.

Hệ thống phóng tên lửa đối hạm-đối đất thẳng đứng UKSK
Hệ thống phóng tên lửa đối hạm-đối đất thẳng đứng UKSK

Tàu lớp Gremyashchy có chiều dài 105m, chiều rộng 13m, mớn nước 7,95m, lượng giãn nước 2.200 tấn. Tàu được trang bị 1 bệ pháo 100mm А-190, 2 bệ pháo 6 nòng 30 mm АK-630М. Các tàu này có thể mang các trực thăng Kа-27PL.

Các tàu hộ vệ lớp Gremyashchy sẽ được trang bị 8 ống phóng thẳng đứng UKSK chứa tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks (Onyx) hoặc Kalib-NK bố trí trước tháp điều khiển, thay thế 2 cụm 4 ống phóng KT-184 của tên lửa Uran ở giữa tàu trên các lớp trước.

Tàu được trang bị hệ thống tên lửa phòng không hạm đa năng thế hệ mới nhất là Redut (hay còn gọi là Polyment-Redut, đặt theo tên lửa Redut và radar Polyment), được bố trí trong 2 cụm 8 ống phóng thẳng đứng ở đuôi tàu, với các tầm phóng và độ cao bắn hạ mục tiêu khác nhau.

Trong mỗi ống phóng có thể bố trí 1 tên lửa tầm trung М96Е (40-50km) hay tầm xa 9М96Е2 (120-150km), hay các tên lửa tầm ngắn 9М100 (10-15km). 16 quả tên lửa phòng không này có thể tạo thành các tầng lớp phòng không khác nhau, từ tầm xa đến tầm gần, từ tầm cao đến tầm thấp.

Khả năng phòng không hạm này tương đương hoặc nhỉnh hơn hệ thống tên lửa Aster-30 trên tàu hộ vệ lớp Formidable của Singapore, hiện được coi là mạnh nhất đông nam Á, nhưng tính năng chống hạm và tấn công mặt đất lại mạnh hơn rất nhiều so với chiến hạm của Singapore.

Không chỉ có khả năng phòng không và đánh chặn tên lửa hành trình, khi cần, hệ thống phòng không hạm đa năng còn có khả năng tiêu diệt cả mục tiêu mặt nước.

Tính năng chống hạm đã được thử nghiệm thực tế trên tàu hộ tống Soobrazitelny, thuộc Project 20380 của Hạm đội Baltic. Còn vào đầu tháng 6-2014, chiến hạm này cũng đã dùng hệ thống tên lửa phòng không đa năng Redut tiêu diệt thành công một tên lửa hành trình.

Việt Nam đang rất cần những chiến hạm loại này

Với hệ thống vũ khí phòng không và chống hạm/đối đất như vậy, các tàu hộ vệ thuộc Dự án 20385 sẽ là những tàu chiến mặt nước cỡ 2.000 tấn có hỏa lực mạnh và toàn diện nhất thế giới, tương đương với các khu trục hạm của châu Âu có lượng giãn nước gấp 4 lần.

Hệ thống phòng không đa năng Polyment-Redut 12 ống phóng trên tàu hộ tống Project 20380 Soobrazitelny
Hệ thống phòng không đa năng Polyment-Redut 12 ống phóng trên tàu hộ tống Project 20380 Soobrazitelny

Hiện nay, ngoài khả năng tác chiến ngầm, điểm yếu lớn nhất của lực lượng tàu mặt nước của hải quân các quốc gia Đông Nam Á là khả năng phòng không hạm quá yếu kém và không có khả năng tấn công mặt đất.

Hiện cả khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore là có lực lượng phòng không hạm tương đối mạnh, được xếp vào dạng phòng không khu vực.

Hải quân nước này hiện đang sở hữu 6 tàu hộ vệ lớp Formidable, thiết kế dựa trên lớp tàu hộ vệ La Fayette; được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Aster-15, với tầm phóng 30-40km và hệ thống tên lửa phòng không tầm xa Aster-30, có tầm phóng 120km.

Còn lại các chiến hạm của các quốc gia như Indonesia, Malaysia hay Việt Nam với các chiến hạm mạnh nhất là tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 đều có khả năng phòng không yếu kém, với các hệ thống phòng không hạm tầm gần/thấp, chỉ xứng đáng xếp vào dạng phòng không điểm.

Hiện nay, một số quốc gia đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên biển Đông, xây dựng các căn cứ không quân và hải quân trên biển, âm mưu triển khai máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tên lửa đối đất trên đó, mưu đồ khống chế toàn bộ Biển Đông.

6 tàu hộ vệ tàng hình lớp Formidable của Singapore hiện được xếp hạng mạnh nhất Đông Nam Á nhưng còn xa mới sánh được với tàu hộ vệ lớp Gremyashchy
6 tàu hộ vệ tàng hình lớp Formidable của Singapore hiện được xếp hạng mạnh nhất Đông Nam Á nhưng còn xa mới sánh được với tàu hộ vệ lớp Gremyashchy

Nỗi lo về khả năng phòng không hạm với các quốc gia Đông Nam Á đang hiển hiện khi không một nước nào sở hữu những biên đội tàu có khả năng phòng không mạnh mẽ, trong bối cảnh một số quốc gia đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển lực lượng không quân hùng hậu.

Nếu một khi chiến sự xảy ra, yếu tố tiên quyết là cần phải đè bẹp các căn cứ tiền duyên này. Với sự hạn chế về tầm phóng của các tên lửa tấn công đất đối đất, việc sở hữu khả năng tấn công mặt đất từ trên biển là điều hết sức cần thiết đối với các nước khu vực này.

Cả tính năng phòng không hạm và tấn công mặt đất thường chỉ được tích hợp ở những chiến hạm xếp vào hạng tàu khu trục hoặc tuần dương hạm hạng nặng của Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… Tuy nhiên, giá của những chiến hạm này thường rất đắt, có loại lên tới hàng tỷ USD.

Do đó, Nga đã mở ra những hy vọng mới cho hải quân các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, khi phát triển ồ ạt các chiến hạm cỡ vừa và cỡ nhỏ, có khả năng tấn công mặt đất, đồng thời cũng tích hợp những hệ thống phòng không tương đối hiện đại lên những con tàu rất nhỏ bé.

Theo Thiên Nam

Đất Việt