1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Iran
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày

Nga sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh để cạnh tranh với Mỹ

Dung Nguyễn

(Dân trí) - Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đẩy mạnh sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik - vũ khí chiến lược được cho là có khả năng vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ hiện đại của Mỹ.

Nga sản xuất hàng loạt tên lửa siêu thanh để cạnh tranh với Mỹ - 1

Nga phóng tên lửa thử đạn đạo siêu thanh (Ảnh: Sputnik).

Quyết định tăng tốc sản xuất được đưa ra sau thành công thử nghiệm chiến đấu, khi Oreshnik được triển khai tấn công căn cứ quân sự Ukraine ở Dnipro tháng 11/2024.

Trong lễ tốt nghiệp của học viện quân sự tại thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Dây chuyền sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa tầm trung thế hệ mới Oreshnik đã sẵn sàng".

Phân tích từ các chuyên gia quốc tế cho thấy Oreshnik là phiên bản nâng cấp từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26 Rubezh, sở hữu khả năng đột phá với tốc độ siêu thanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh và tầm bắn tối đa 5.500km. 

Tầm bắn của vũ khí này cho phép Nga triển khai tên lửa hạt nhân tới bất kỳ khu vực nào ở châu Âu và thậm chí cả miền tây nước Mỹ.

Ông Putin đã phê duyệt việc sử dụng tên lửa này vào tháng 11/2024 để đáp trả việc các tên lửa hành trình do Mỹ và Anh sản xuất được sử dụng trên lãnh thổ Nga. 

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng phương Tây không có cách nào đối phó với vũ khí siêu thanh này, đồng thời cảnh báo rằng Kremlin có thể cân nhắc lựa chọn hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo từ một quốc gia được một siêu cường hạt nhân hậu thuẫn. 

Vào tháng 12 năm ngoái, ông Putin khẳng định rằng Oreshnik sẽ chiếm ưu thế trong một cuộc đối đầu với các hệ thống phòng thủ của Mỹ. 

Ông cũng tuyên bố Nga sẽ thiết lập một căn cứ tên lửa cho Oreshnik tại Belarus vào năm 2025, quốc gia này có biên giới trực tiếp với Ba Lan, một thành viên của NATO. 

Các quan chức Mỹ khi đó đã bác bỏ tuyên bố của ông Putin, cho rằng tên lửa này không phải là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" như Moscow tuyên bố và cho rằng Nga chỉ sở hữu một số lượng nhỏ tên lửa Oreshnik.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh quân sự đang có những diễn biến phức tạp khi Ukraine tuyên bố vừa đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn của 50.000 quân Nga tại Sumy. Trong khi đó, làn sóng không kích bằng UAV và tên lửa tiếp tục gây thiệt hại cho dân thường ở nhiều thành phố Ukraine.

Đáng chú ý, trong khi gia tăng căng thẳng với phương Tây, Nga đang đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngoại trưởng Nga Lavrov mới đây đã kêu gọi Tehran duy trì hợp tác với cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, cảnh báo việc đình chỉ giám sát hạt nhân có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng mới tại Trung Đông.

Theo AFP