1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga quyết giữ Syria, tái hùng cứ Trung Đông/Địa Trung Hải

Quân đội Nga đang tiến dần đến việc hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Syria/Trung Đông, mặc dù trên danh nghĩa nó được gọi là “hiện diện vô thời hạn”.

Nga hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Syria

Ngày 7/10/2016, Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) đã phê chuẩn Hiệp định do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình về việc triển khai vô thời hạn cụm không quân, thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria.

Theo hãng thông tấn Nga Ria, đã có hơn 446 đại biểu quốc hội của Hạ viện Nga đã bỏ phiếu thuận cho tài liệu này, chính thức cho phép quân đội Nga được hiện diện quân sự “vĩnh viễn” ở Syria, mặc dù trên danh nghĩa nó được gọi là “vô thời hạn”.

Thỏa thuận đồn trú lực lượng không quân Nga ở Syria đã được chính quyền của ông Vladimir Putin và ông Bashar al-Assad ký kết tại thủ đô Damascus ngày 26/8/2015, trước khi Nga chính thức mở chiến dịch quân sự chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẻn vẹn 1 tháng 3 ngày.

Theo tin cho biết, Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) ngày 12/10 sẽ xem xét Hiệp định Triển khai vô thời hạn lực lượng không quân Nga ở Syria. Tuy nhiên, các nhà quan sát Nga và cả phương Tây đều nhận định rằng, chắc chắn Hiệp định này sẽ được phê chuẩn.

Được biết, Tổng thống Vladimir Putin đệ trình Duma Quốc gia phê chuẩn văn kiện này vào hồi đầu tháng 8 vừa qua. Đây là động thái khá bất ngờ bởi cũng chính ông Putin đã ra lệnh rút lực lượng tác chiến chủ lực của lực lượng Hàng không - Vũ trụ Nga khỏi Syria vào hôm 15/3.

Truyền thông Nga tiết lộ thông tin trong trong cơ sở dữ liệu của Quốc hội nước này cho biết, văn kiện này cho phép Nga triển khai vô thời hạn nhóm không quân Nga trong khu vực sân bay Hmeymim (thuộc tỉnh Latakia, nằm ở phía Tây Bắc Syria).

Nga vẫn còn triển khai lực lượng rất mạnh ở sân bay Hmeymim
Nga vẫn còn triển khai lực lượng rất mạnh ở sân bay Hmeymim

Trong bản lưu ý giải thích ghi chú rằng, nhóm không quân đã hiện diện tại sân bay Hmeymim theo yêu cầu của phía Syria. Tài liệu ghi rõ, các cơ sở hạ tầng sân bay và những địa bàn cần thiết theo sự thỏa thuận giữa các bên được cung cấp để quân đội Nga sử dụng miễn phí.

Dự thảo nêu rõ rằng, việc sử dụng nhóm không quân Nga phù hợp với quyết định của Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga và theo kế hoạch đã được các bên thỏa thuận. Thành phần của nhóm không quân do phía Nga xác định trong sự phối hợp với phía Syria.

Điều này cũng có ý nghĩa tương đương với việc Nga đã triển khai một căn cứ không quân vĩnh viễn ở nước này.

Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải (có căn cứ hậu cần hải quân Nga ở Tartus), phía Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới với Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Hiện nay, về cơ bản là quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn tỉnh này, đánh dạt các nhóm phiến quân người Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức khủng bố khác, tạo khu vực an ninh vững chắc cho các căn cứ quân sự của Nga.

Căn cứ Hmeymim hoàn thiện sức mạnh quân sự Nga ở Trung Đông

Ngay sau khi ông Putin tuyên bố rút phần lớn nhóm không quân ở Syria về nước vào ngày 15/3, không quân Nga đã rút 3 trên 15 máy bay ném bom tiền tuyến Su-24, 4 trên 8 máy bay ném bom Su-34 và toàn bộ phi đội 12 máy bay cường kích Su-25.

Theo nguồn tin từ các chuyên gia Nga, tổng cộng có gần 20 máy bay chiến đấu, cùng các hệ thống phòng không hiện đại và khoảng 2.000 quân nhân, nhân viên vẫn còn ở lại căn cứ không quân Hmeymim. Lực lượng còn lại của VKS cũng còn khá mạnh và đã được bổ sung thêm.

Tờ Vedomosti dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một phi đội máy bay ném bom chiến thuật Su-24, gồm từ 9 đến 12 chiếc đã được giữ lại tại Syria.

Các máy bay tiêm kích đa năng là Su-30SM và Su-35S cũng được giữ lại tại căn cứ Hmeymim để làm nhiệm vụ phòng không. Hiện phi đội Su-35S tới Syria vào ngày 31/1/2016 gồm 4 chiếc, số lượng Su-30SM vào khoảng trên dưới 10 chiếc.

Bên cạnh đó, các máy bay trực thăng tấn công Ka-52, Mi-28N, trực thăng vận tải-vũ trang Mi-35 vẫn còn hiện diện và tiếp tục được tăng cường đến căn cứ Hmeymim, tuy nhiên không rõ số lượng chính xác mỗi loại.

Nga cũng giữ lại sân bay Hmeymim các hệ thống phòng không làm nhiệm vụ bảo vệ căn cứ. Toàn bộ các tổ hợp phòng không tầm xa S-400 và hệ thống phòng không tầm gần Pantsir-S1 đã được giữ lại và đã được tăng cường thêm hệ thống S-300VM Antey-2500.

Bên cạnh các khí tài quân sự hùng hậu trên, để vận hành toàn bộ khu căn cứ, Nga vẫn giữ nguyên lực lượng phục vụ, bảo đảm khoảng 2000 người, bao gồm nhân viên kỹ thuật máy bay và vũ khí; nhân viên phục vụ, cấp dưỡng. Ngoài ra, còn có khoảng 300 chuyên gia dân sự.

Vị trí quan trọng của 2 căn cứ không quân và hải quân Nga ở Syria
Vị trí quan trọng của 2 căn cứ không quân và hải quân Nga ở Syria

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria mà nó còn là sự bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Nga chỉ có một tàu sân bay Kuznetsov của hạm đội Phương Bắc nên không thể triển khai chiến đấu cơ ở vùng biển Địa Trung Hải bởi không có chỗ đứng chân. Do đó, để kiểm soát không phận vùng biển này, nhu cầu xây dựng một căn cứ không quân ở Syria đã trở lên cấp thiết.

Nếu xây dựng được cả căn cứ không quân và hải quân ở ven bờ Địa Trung Hải, Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân, với đầy đủ máy bay và tàu chiến, một mặt là bảo vệ Syria, mặt khác sẽ kiểm soát phần đông của Địa Trung Hải, bóp nghẹt ý đồ xâm nhập Biển Đen của hải quân Mỹ-NATO, đồng thời ngăn chặn đường tiếp viện của Hạm đội 5 Mỹ ở vùng Vịnh Persian, qua kênh đào Suez sang Địa Trung Hải hỗ trợ cho Hạm đội 6.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vững chắc ở Syria sẽ là điểm tựa cho cả đồng minh Iran cũng đang nằm trong vòng cương tỏa của Washington và đồng minh, đồng thời giúp thắt chặt quan hệ của Nga với các đối tác quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi như là Iraq, Lebanon hay Ai Cập.

Theo Thiên Nam

Đất Việt