1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga, phương Tây đạt thỏa thuận nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine

(Dân trí) - Nga, Ukraine, Mỹ và EU đã đạt được một thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng tại Ukraine trong cuộc đàm phán 4 bên đầu tiên ở Geneva, Thụy Sĩ hôm qua 17/4.

Đại diện 4 bên tham gia đàm phán ở Geneva ngày 17/4.

Đại diện 4 bên tham gia đàm phán ở Geneva ngày 17/4.

Cuộc gặp cấp cao có sự tham dự của trưởng đại diện ngoại giao khối EU Catherine Ashton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và quyền Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya.

Đây là lần đầu tiên họ ngồi xuống bàn đàm phán kể từ khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine nổ ra hồi tháng 11 năm ngoái, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy một cuộc đối thoại nhằm tìm ra các cách thức xử lý các diễn biến mới tại nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Cuộc đàm phán đã kéo dài thêm vài giờ so với lịch trình ban đầu, cho thấy sự khó khăn trong việc đạt được điểm chung giữa 4 bên về một giải pháp khả tiềm tàng cho cuộc khủng hoảng hiện thời.

Thỏa thuận nói rằng tất cả các nhóm quân sự bất hợp pháp tại Ukraine phải bị giải tán và mọi người đang chiếm đóng các tòa nhà công ở đông nam nước này phải hạ vũ khí và rời đi.

Cũng theo thỏa thuận trên, sẽ có một lệnh ân xá cho tất cả những người biểu tình chống chính phủ nếu họ hạ vũ khí, ngoại trừ các tội phạm nghiêm trọng.
 
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry và người đồng cấp Nga Lavrov.
 
Các bước đi trên sẽ được sự giám sát từ Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Theo thỏa thuận, OSCE nên đóng vai trò đi đầu trong việc trợ giúp giới chức Ukraine và các liên lạc địa phương nhằm thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng.

Phát biểu tại cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho hay các cải cách hiến pháp lâu dài là cần thiết tại Ukraine. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng tất cả các bên tham gia cuộc đàm phán tại Geneva đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng cần phải do chính người Ukraine giải quyết.

Ngoại trưởng Nga cũng khẳng định nước ông không có mong muốn đưa quân vào Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ miêu tả cuộc đàm phán hôm qua là "một ngày thuận lợi", nhưng cho rằng các lời nói cần được biến thành hành động và rằng ông không có lựa chọn nào khác là áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn với Nga nếu Mátxcơva không chứng tỏ sự nghiêm túc trong việc giảm căng thẳng tại Ukraine.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi thỏa thuận trên là triển vọng, nhưng tỏ ra hoài nghi về việc liệu Nga giờ đây có dùng ảnh hưởng của mình để phục hồi trật tự tại Ukraine hay không.

An Bình
Theo BBC, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm