1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga phóng đạn chính xác, bắn cháy tổ hợp phòng không tối tân của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga công bố video ghi lại cuộc tấn công nhằm vào hệ thống phòng không IRIS-T do Đức cung cấp cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 3/5 đã công bố đoạn video được quay từ máy bay không người lái, cho thấy cuộc tấn công vào hệ thống phòng không IRIS-T do Đức cung cấp cho Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hệ thống này được phát hiện tại một địa điểm hẻo lánh gần làng Ostroverkhova, một khu định cư ở vùng Kharkov, Ukraine.

Nga phóng đạn chính xác, bắn cháy tổ hợp phòng không Ukraine

Hệ thống của Ukraine đã bị tấn công bằng hai quả đạn không xác định, có thể là đạn chính xác cao được phóng từ hệ thống Tornado-S của Nga. Các hệ thống Tornado-S ngày càng được quân đội Nga sử dụng rộng rãi trong những tháng gần đây, nhắm mục tiêu vào các khí tài quân sự có giá trị cao của Ukraine.

Cuộc tấn công đã phá hủy cả phương tiện chỉ huy và điều khiển cũng như bệ phóng. Ngoài ra, đòn tập kích cũng gây ra vụ nổ tại địa điểm này và dẫn đến hỏa hoạn tại một tòa nhà gần đó. Ngôi nhà này được quân đội Nga xác định là một kho chứa.

Đức đã cung cấp hệ thống IRIS-T cho Ukraine từ cuối năm 2022. Nga tuyên bố phá hủy nhiều hệ thống này trong các cuộc giao tranh.

Nga phóng đạn chính xác, bắn cháy tổ hợp phòng không tối tân của Ukraine - 1

Xe phóng đạn thuộc tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T của Ukraine (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Theo giới thiệu của nhà sản xuất - công ty quốc phòng Diehl Defense của Đức - hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T bao gồm trung tâm điều khiển, radar và các xe bệ phóng tên lửa tự hành, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái.

Trong đó, bệ phóng được lắp đặt trên khung gầm xe bánh lốp (MAN 8x8, 4 cầu chủ động) hoặc bánh xích (BvS10) mang theo 4 hoặc 8 ống phóng kiêm ống bảo quản, có thể khai hỏa tên lửa theo phương thẳng đứng. 

Đạn tên lửa IRIS-T diệt mục tiêu trong bán kính 40km với trần bắn tối đa 20km. Đáng chú ý, tên lửa được trang bị đầu dò quang - hồng ngoại với độ chính xác cao và có khả năng kháng nhiễu tốt để tác chiến trong môi trường bị chế áp điện tử mạnh.

Hệ thống có đài radar cảnh giới chỉ thị mục tiêu CEAFAR GBMMR sử dụng công nghệ mảng pha chủ động, có thể phát hiện các vật thể bay ở cự ly tới 200km. Ngoài ra, hệ thống cũng có thể hoạt động cùng với radar TRML-4D, qua đó nâng cao khả năng phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 250km.

Hệ thống tên lửa này có hai chế độ bắn là khóa mục tiêu trước khi bắn và khóa mục tiêu sau khi bắn, cho phép đánh chặn hiệu quả mục tiêu ở mọi góc độ (360 độ), trong nhiều điều kiện giao tranh.

Hiện nay, trong biên chế phòng không Ukraine, IRIS-T đang là cặp bài trùng với hệ thống Patriot do Mỹ chế tạo, hợp thành lưới lửa nhiều lớp. Bộ đôi này đã nhiều lần bắn hạ các chiến đấu cơ hiện đại của Nga.

Nga phóng đạn chính xác, bắn cháy tổ hợp phòng không tối tân của Ukraine - 2

Hệ thống hỏa lực phóng loạt Tornado-S của Nga (Ảnh: Eurasian Times).

Trong khi đó "Cơn lốc lửa" Tornado-S của Nga được xem là đối thủ ngang tầm với hệ thống HIMARS mà Mỹ cấp cho Ukraine.

Tornado-S có tầm tấn công lớn hơn HIMARS (120km so với 80km) và cũng có khả năng chỉ đường cho từng quả rocket đã được phóng ra. Tương tự HIMARS, Tornado-S được dùng để tấn công mục tiêu nằm trong khu vực đối thủ kiểm soát và hỏa lực tầm xa.  

"Hỏa thần" HIMARS có thể bắn 6 quả rocket dẫn đường bằng GPS kích cỡ 227mm ở khoảng cách tối đa 80km và độ chính xác 5-10m. Trong khi đó, Tornado-S có thể phóng 12 quả rocket dẫn đường bằng GLONASS kích cỡ 300mm ở khoảng cách tối đa 120km và độ chính xác tương đương.

Tornado-S sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực và dẫn đường hoàn toàn mới (ASUNO) với một số cải tiến lớn. Nó đã cải thiện việc chỉ định mục tiêu, khả năng trao đổi dữ liệu và ước tính nhanh hơn và chính xác hơn về góc ngắm và các thuộc tính khác. 

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm