1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới

Tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới của Nga được cho sẽ sở hữu tối đa khả năng để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đầy hứa hẹn của Mỹ, cũng như tiềm năng hiện đại hóa sâu trong tương lai.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) là tên lửa có tầm bắn tối thiểu 5.500 km, được thiết kế chủ yếu để mang đầu đạn hạt nhân. Tương tự, chúng cũng có thể mang đầu đạn thông thường, hóa học và sinh học với hiệu quả khác nhau, tuy chưa bao giờ được triển khai. ICBM được phân biệt bởi tầm bắn và tốc độ lớn hơn so với các loại tên lửa đạn đạo khác (IRBM, MRBM, SRBM, TBM); tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung được gọi chung là tên lửa đạn đạo chiến trường. Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Anh và Triều Tiên là các quốc gia có ICBM đang hoạt động.

Các ICBM ban đầu có độ chính xác hạn chế, chỉ thích hợp để tấn công các mục tiêu lớn, như các thành phố. Độ chính xác của các thế hệ thứ hai và thứ ba (như LGM-118 Peacekeeper) được cải thiện đáng kể, đến mức có thể tấn công cả các mục tiêu điểm. Hầu hết các thiết kế ICBM hiện được trang bị bộ phận chiến đấu đa đầu đạn phân hướng (MIRV) - mang nhiều đầu đạn con, mỗi trong số chúng có thể tấn công một mục tiêu khác nhau. Tên lửa ban đầu sử dụng động cơ dùng nhiên liệu lỏng, không thể dễ dàng được tiếp nhiên liệu vì oxy lỏng trong nhiên liệu đông lạnh bị sôi…

Tên lửa chỉ có thể được tiếp nhiên liệu trước khi phóng. Quy trình này là một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm trễ và chính tên lửa có thể bị đối phương phá hủy trước khi được khai hỏa. Để giải quyết vấn đề này, người Anh đã phát minh ra silo bảo vệ tên lửa khỏi cuộc tấn công đầu tiên và cũng có thể thực hiện các hoạt động tiếp liệu dưới lòng đất. Hầu hết các tên lửa đẩy hiện đại sử dụng động cơ dùng nhiên liệu rắn, có thể dễ dàng bảo quản trong thời gian dài.

Nga phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới - 1

Các ICBM có tầm bắn xa và tốc độ cao; Nguồn: popmech.ru

ICBM có thể được triển khai trong các hầm chứa (silo trên đất liền), được bảo vệ khỏi cuộc tấn công (cả cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên); trên biển - tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM); trên xe tải hạng nặng - có thể được triển khai từ bệ phóng di động tự hành, có khả năng di chuyển và phóng tên lửa từ bất kỳ điểm nào; và bệ phóng di động trên đường ray. Các hệ thống ICBM di động sở hữu một số lợi thế so với các hệ thống phóng từ silo - chúng khó bị xác định vị trí, theo dõi, nhắm mục tiêu, nhờ đó, có khả năng sống sót cao hơn.

Khi vào bầu khí quyển của Trái Đất, tốc độ cao dẫn đến nhiệt độ tăng lên đáng kể sẽ phá hủy đầu đạn hạt nhân nếu nó không được bảo vệ. Do đó, các thành phần đầu đạn được gá trong một cấu trúc tổ ong bằng nhôm, được bọc trong một tấm chắn nhiệt bằng vật liệu composite nhựa tổng hợp carbon-epoxy. Đầu đạn cũng thường được làm bằng một vật liệu kháng neutron; ở Anh, phenolic thạch anh ba chiều được phát triển cho mục đích này. Một khi tên lửa đẩy tách ra, số đầu đạn con được phóng ra, mỗi đầu đạn tiếp tục đi theo quỹ đạo đạn đạo riêng, giống như một quả đạn pháo hoặc đạn đại bác.

Nga cải tổ hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa

Theo trang nationalinterest.org, năm 2020 Nga được cho sở hữu 46 tên lửa R-36M2 (định danh NATO SS-18) nâng cấp, 45 hệ thống Topol (SS-25) di động, 60 hệ thống Topol-M (SS -27) silo, 18 Topol-M di động, 135 hệ thống Yars di động và 14 hệ thống Yars silo. RS-24 Yars (được cho là có thiết kế tương tự như ICBM SS-27 (Topol M) và SLBM Bulava (SS-NX-32)), được thử nghiệm lần đầu tiên ngày 29/5/2007, theo một dự án nghiên cứu và phát triển quân sự bí mật.

Các lực lượng chiến lược trên đất liền đang hoạt động của Nga chủ yếu bao gồm ba nhóm, là các ICBM sử dụng động cơ đẩy dùng nhiên liệu lỏng, ví dụ Satan - có tầm bắn 11.000 km, trọng lượng khi bay khoảng 211 tấn, có thể mang theo 10 đầu đạn hạt nhân, là tên lửa chiến lược mạnh nhất của Nga; ICBM sử dụng động cơ đẩy dùng nhiên liệu rắn, ví dụ Topol-M, Yars - cả hai đều có tầm bắn khoảng 10.000-12.000 km, trọng từ 47-49 tấn, có thể được triển khai ở cả silo và di động; và tên lửa siêu bội thanh, có tốc độ bay Mach 20 và tầm bắn hơn 10.000 km.

Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga hiện đang trong tình trạng chuyển đổi và cải tổ sâu sắc. Trên biển, các phương tiện của Nga mang ICBM Bulava là các tàu ngầm hạt nhân Borei ("Борей") và Borei-A vốn rất cơ động và khó bị phát hiện. Trên bộ, do vấn đề kinh phí, Nga phải từ bỏ dự án tổ hợp đường sắt di động Barguzin ("Баргузин"). Theo cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF của người Mỹ, ICBM Rubezh ("Рубеж", định danh NATO RS-26) đầy hứa hẹn đã bị loại khỏi chương trình trang bị.

Nga phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới - 2

Các hệ thống ICBM hiện đại được gắn phận chiến đấu chứa đa đầu đạn phân hướng; Nguồn: knowledgeblog2014.blogspot.com

Các tên lửa do Liên Xô sản xuất, sẽ sớm được rút khỏi biên chế. RN-100N UTTH đã cũ được sử dụng làm phương tiện mang của Avangard ("Авангард"), sẽ sớm được thay thế bởi Sarmat. Các tổ hợp Topol-M ("Тополь-М") lỗi thời đang dần được Yarsy ("Ярсы") thay thế. Tại Mỹ, công việc đang được tiến hành để tạo ra một hệ thống chống tên lửa trong không gian. Phản ứng trước những thách thức này là một cuộc cải tổ gấp của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga. Trong vài thập kỷ tới, hai ICBM sẽ vẫn còn phục vụ là "Sarmat" ("Сармат") và "Yars"/"Kedr" ("Ярс"/"Кедр").

Hệ thống tên lửa chiến lược phóng từ silo RS-28 "Sarmat" thế hệ thứ năm có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân bay qua Nam Cực ở độ cao dưới quỹ đạo Trái Đất. Về mặt chức năng, chúng thay thế R-36M2 Voevoda ("Воевода"), được phát triển và bảo trì bởi phòng thiết kế Yuzhnoye của Ukraine. Người ta cho rằng, các Sarmat sẽ có thể vượt qua các khu vực do hệ thống phòng thủ tên lửa kiểm soát mà không bị đánh chặn khi tấn công các mục tiêu Mỹ. Khi đó, các đầu đạn di chuyển với tốc độ siêu thanh sẽ phát huy tác dụng, sẽ là một bài toán nan giải đối với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Hiện tại, Nga đang trong quá trình thay thế các hệ thống tên lửa chiến lược bởi ICBM động cơ chất rắn Topol-M bằng RS-24 Yars, có sự tương đồng ngoại hình nhưng rất khác nhau về tính năng. Nhược điểm rất lớn của Topol và Topol-M là chúng được trang bị ICBM chỉ một đầu đạn, làm đơn giản hóa đáng kể nhiệm vụ của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ trong việc đánh chặn. Yars được trang bị nhiều đầu đạn riêng lẻ với các hệ thống dẫn đường, cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc, đồng thời làm phức tạp thêm nhiệm vụ đánh chặn hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Ngoài ra, ICBM còn được trang bị tổ hợp có thể phóng ra hàng chục mục tiêu giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nga phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới - 3

Được dự kiến xuất hiện vào thập niên 30, tên lửa thế hệ mới Kedr sẽ phải đáp ứng đầy đủ các thách thức của thời đại; Nguồn: structure.mil.ru

Kết quả là, từ "đám mây" mục tiêu thật và giả, đầu đạn thật cơ động nhanh, tiếp cận các mục tiêu theo một quỹ đạo thấp. Trái ngược với Topol-M, đối với một lần bắn Yars, Mỹ sẽ phải tiêu tốn ít nhất 21 tên lửa đánh chặn, chưa tính việc ICBM của Nga được trang bị hệ thống tác chiến điện tử tạo ra nhiễu chủ động đối với sóng vô tuyến, cũng gây phức tạp cho việc đánh chặn.

Nga đang trong giai đoạn nghiên cứu sâu để phát triển thế hệ ICBM mới, có mật danh là "Kedr" ("Кедр"), dùng nhiên liệu rắn, như một phần của quá trình hiện đại hóa vũ khí chiến lược, sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, nhằm thay thế hệ thống Yars trước năm 2030, được tài trợ theo chương trình mua sắm vũ khí hiện tại, có hiệu lực đến năm 2027 của Nhà nước Liên bang. Tương tự như các nền tảng ICBM tiền nhiệm, hệ thống mới sẽ có các phiên bản di động và silo.

Việc phát triển Kedr sẽ được thực hiện bởi Viện Kỹ thuật Nhiệt Moscow (Московский институт теплотеxники - MIT; Moscow Institute of Thermal Technology - MITTS) - cái nôi sinh ra các dòng tên lửa đầy tự hào Topol và Yarsy của nước Nga. Không loại trừ khả năng khung gầm có thể được sử dụng cho các phát triển trên dự án hiện đang đóng RS-26 "Rubezh", bệ phóng của nó nhẹ hơn 40 tấn so với "Yars". Đáng chú ý, tên lửa Kedr nhiều khả năng sẽ sử dụng tên lửa siêu thanh Pioneer, để tăng cường khả năng răn đe.

Ngoài ra, Nga cũng có ý định áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào các hệ thống chỉ huy, điều khiển và liên lạc thông qua dự án tên lửa chiến lược Kedr để đẩy nhanh các thủ tục ra quyết định, cải thiện độ tin cậy và an toàn tổng thể của hệ thống, nhằm đạt hiệu quả cao hơn khi bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong trang bị Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga hiện có 5 loại tên lửa chiến lược đất đối đất, điều này đã mang lại áp lực rất lớn cho công tác bảo trì hậu cần và chỉ huy tác chiến, do đó, Nga mong muốn đẩy nhanh phát triển Kedr để có mẫu sẵn sàng thay thế.

Các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bất kỳ dữ liệu chi tiết nào về các đặc tính kỹ-chiến thuật của Kedr, nhưng rõ ràng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, dự kiến xuất hiện vào thập niên 30, sẽ phải đáp ứng đầy đủ các thách thức của thời đại - sẽ sở hữu tối đa khả năng để vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa đầy hứa hẹn của Mỹ, cũng như tiềm năng hiện đại hóa sâu trong tương lai.