Nga phản ứng cứng rắn lệnh của ICC đối với Tổng thống Putin
(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố lệnh bắt giữ của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đối với Tổng thống Vladimir Putin sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế của nhà lãnh đạo Nga.
"Toàn bộ câu chuyện này với ICC không thể và sẽ không phải là một hạn chế trong việc phát triển quan hệ của Nga với các quốc gia đối tác vốn quan tâm đến việc phát triển quan hệ song phương và bao gồm các mối quan hệ quốc tế", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm 4/9.
Theo ông Peskov, "phần lớn thế giới có tầm nhìn rộng hơn nhiều về triển vọng hợp tác quốc tế" so với tầm nhìn của ICC.
Ông Peskov khẳng định, các nhà chức trách nhận thấy "sự quan tâm lớn từ phần lớn thế giới dành cho nước Nga". "Và chúng tôi cũng quan tâm tới điều đó", ông Peskov nhấn mạnh.
Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) đề nghị Mông Cổ thực thi lệnh bắt giữ Tổng thống Putin khi ông có chuyến thăm tới nước này.
Bất chấp yêu cầu từ ICC, Mông Cổ vẫn trải thảm đỏ đón Tổng thống Putin.
"Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, như đã thể hiện trong các tuyên bố của chúng tôi cho đến nay", người phát ngôn nói thêm.
Động thái của Mông Cổ đã vấp phải chỉ trích của Ukraine. Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo Mông Cổ sẽ lĩnh hậu quả vì không thực thi lệnh của ICC. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo ICC nên cân nhắc hậu quả nếu có người dám thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga.
Ông Medvedev hồi tháng 6 từng cảnh báo "việc thi hành một quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một quốc gia cụ thể có thể coi là một lời tuyên chiến".
Tháng 3 năm ngoái, ICC đã phát lệnh bắt Tổng thống Vladimir Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga về quyền trẻ em Maria Lvova-Belova với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga".
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.
Nga coi sắc lệnh của ICC như một phần trong chiến dịch của phương Tây nhằm làm mất uy tín của Nga. Ủy ban Điều tra Nga thông báo sẽ mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào các thẩm phán và công tố viên của ICC.
Đây không phải lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt một nguyên thủ quốc gia đang tại nhiệm, nhưng cơ quan này chưa từng có động thái như vậy với lãnh đạo của một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Về lý thuyết, 123 quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ thực thi lệnh bắt giữ nếu Tổng thống Putin đặt chân lên lãnh thổ những nước này. Tuy nhiên, việc thực thi hay không tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau.