Nga phản pháo thuyết âm mưu ám sát Kenedy
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga can dự tới nghi phạm số 1 bắn chết cựu Tổng thống Mỹ John Kenedy.
Thông tấn TASS hôm 26/10 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã phản bác các quan điểm cho rằng, Nga có liên quan tới việc ám sát Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, John F. Kennedy.
Theo đó, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, tất cả các nỗ lực nhằm liên kết Nga với vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Kenedy "chỉ là những lời lăng mạ hoang đường và gây sốc".
Bà Zakharova đã trả lời một bình luận về các lời đồn đại của giới truyền thông Mỹ rằng người ám sát vị Tổng thống trẻ nhất nước Mỹ là Lee Harvey Oswald, người này có thể đã liên lạc với các dịch vụ bí mật của Liên Xô và đã trải qua 'đợt huấn luyện đặc biệt' trong thời gian ông ở Liên Xô.
Nữ phát ngôn nói: "Thông tin này đã được giữ kín trong nhiều thập kỷ.
Nếu nó được đề cập tới như một cú đấm vào nước Nga, thì thật đáng xấu hổ. Bởi vì nó là thông tin chứ không phải những thứ sai lệch mà người ta muốn biến nó thành".
Bà Zakharova cho biết bà đã rất sốc khi nghe được các lời đồn đại như vậy, khi Nga bị coi là kẻ đứng sau cả vụ ám sát Tổng thống Mỹ.
"Tôi thậm chí không thể tưởng tượng làm sao mà người ta có thể bóp méo chủ đề này đến mức độ nào đó" - bà Zakharova nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, việc xuất bản một phần tài liệu khác liên quan đến vụ ám sát Kennedy là vấn đề chủ quyền của Mỹ.
"Tôi hiểu rất rõ tại sao cộng đồng quốc tế - các sử gia, các nhà khoa học chính trị và nhiều người khác đã cố gắng tìm ra sự thật - lại bị quyến rũ bởi chủ đề này" - bà Zakharova nói.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ tư cho biết hàng ngàn tài liệu từ Lưu trữ Quốc gia liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 John Kennedy sẽ được công bố vào ngày 26/10.
Liên Xô có vai trò gì với nghi phạm số 1?
Theo các tài liệu được truyền thông Mỹ đăng tải, Oswald đã tới Liên Xô và xin được cấp lại thị thực Liên Xô nhưng không thành công.
Oswald đã tới Moscow tháng 9/1959, 4 năm trước khi ra tay ám sát Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ đang được người Mỹ tín nhiệm.
Vừa đặt chân tới Moscow, Oswald ngay lập tức rêu rao là một người cộng sản.
Để tới được Moscow, Oswald đã phải đi một chặng đường khá dài. Vào ngày 20/9/1959, hắn rời quê nhà New Orleans với lý do đến Le Havre, Pháp để học tập.
Nhưng đó không phải là những gì đã xảy ra, thay vì Pháp, Oswald đã bay đến Helsinki, Phần Lan nơi hắn đã được cấp visa Xô Viết.
Nghi phạm số 1 ám sát Tổng thống Kenedy
Vài ngày sau, khi chính quyền Liên Xô bác bỏ đề nghị kéo dài hạn visa của Oswald, vốn chỉ có giá trị trong vòng 1 tuần, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ đã cắt tay tự tử nhưng không chết.
Oswald nói rằng mình không thể chịu được ý nghĩ phải quay trở lại Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi Oswald tự tử bất thành, chính quyền Xô viết nhận ra rằng, một người Mỹ chết tại Moscow sẽ còn khiến mọi thứ tệ hơn, và họ đã miễn cưỡng để Oswald ở lại.
Cuộc sống của Oswald ở Minsk có thể được so sánh như tầng lớp quý tộc.
Mức lương của anh ta khi đó là 700 ruble, Oswald nhận thêm 700 ruble từ Ủy ban Chữ Thập đỏ và “dễ dàng” kiếm được 1.400 ruble (tương đương 5.600 USD vào năm 1959) mỗi tháng.
Song sau đó, tháng 1/1960, Oswald được phái tới Minsk. Tại đây, hắn làm nhân viên lắp ráp tại đài phát thanh truyền hình địa phương.
Tại đây, Oswald đã cưới vợ và có một con gái nhưng cuộc sống khó khăn.
Tháng 6/1962, Oswald đem vợ và con gái nhỏ từ Liên Xô trở về Mỹ (nhờ sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Liên Xô với mong muốn rằng người Mỹ có thể mở lòng khoan hồng đối với một người đào ngũ).
Đáng chú ý, trước khi ẩn sâu vào lục địa Liên Xô trong vòng một năm để hoạt động, Oswald viết một lá thư dài bày tỏ tất cả mục tiêu hoạt động chính trị của mình gửi cho người anh trai tại Mỹ.
Trong thư, Oswald nói với anh trai rằng hắn sẵn sàng thực hiện một hành động mưu sát vì những nguyên nhân chính trị, Oswald viết: “Em muốn anh hiểu về những gì mà em đang nói lúc này, em không cần những lời hoa mỹ, không cần nhẹ nhàng, hay vô tình vì em từng được rèn luyện trong quân ngũ....
Trong trường hợp có chiến tranh xảy ra, em thề sẽ giết bất kỳ người Mỹ nào mặc quân phục phòng vệ của Chính phủ Mỹ”. Chưa hết, Oswald còn nhấn mạnh thêm: “Em không tha cho bất kỳ người Mỹ nào”.
Quay về mốc năm 1959, khi làm việc ở Minsk, Oswald được bố trí giáo viên dạy tiếng Nga riêng là ông Stanislav Shushkevich.
Ông Stanislav Shushkevich sau này đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Belarus khi Liên Xô tan rã.
Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện cách đây không lâu, ông Shushkevich hồi tưởng rằng, Oswald là một người rất gọn gàng nhưng khá "chậm chạp". Ông Shushkevich nghi ngờ rằng đồng nghiệp cũ của mình có “gan” nổ súng giết chết Tổng thống Mỹ.
Hiện nay vẫn còn rất nhiều nghi vấn và thuyết âm mưu quanh vụ ám sát người đứng đầu nước Mỹ song một trong các thuyết âm mưu là Oswald có thể được nhận sự hỗ trợ của rất nhiều các quốc gia đối lập với Mỹ.
Theo Ngọc Dương
Báo Đất Việt