1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga phản hồi đề xuất của Trung Quốc về vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cho rằng các đề xuất liên quan đến an ninh quốc tế nên được xem xét trong bối cảnh thực tế toàn cầu.

Nga phản hồi đề xuất của Trung Quốc về vũ khí hạt nhân - 1

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga vào tháng 4/2022 (Ảnh: Sputnik).

Tháng trước, người đứng đầu cơ quan kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Sun Xiaobo, đã kêu gọi các quốc gia hạt nhân thực hiện "trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên" về giải trừ vũ khí theo Hội nghị Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc, nhằm ngăn chặn chiến tranh nguyên tử.

Quan chức Trung Quốc cho rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân nên đàm phán và ký kết một hiệp ước về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại nhau hoặc đưa ra tuyên bố chính trị về vấn đề này.

Sau lời kêu gọi của Trung Quốc, Nga cho rằng các đề xuất liên quan đến an ninh quốc tế nên được xem xét trong bối cảnh thực tế toàn cầu.

Bộ Ngoại giao Nga nói với nhật báo kinh doanh RBK rằng Moscow và Bắc Kinh ứng xử với các sáng kiến của nhau bằng sự quan tâm đặc biệt và tôn trọng sâu sắc, đồng thời nói thêm rằng cả hai quốc gia đều quyết tâm phát triển hơn nữa quan hệ song phương.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, đề xuất của Trung Quốc cần được xem xét dựa trên tình hình thực tế về quân sự và chính trị, cùng với các yếu tố khác liên quan đến an ninh quốc tế và ổn định chiến lược. Nga đặc biệt đề cập đến sự xấu đi trong mối quan hệ giữa "5 cường quốc hạt nhân" gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Moscow cho biết việc giảm thiểu đối đầu giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân bằng cách loại bỏ "những mâu thuẫn cơ bản trong lĩnh vực an ninh" là vấn đề "ưu tiên tuyệt đối".

Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, đã đình chỉ liên lạc trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Đầu năm nay, Moscow bác bỏ đề xuất nối lại đối thoại của Washington, cho rằng điều này là không thể trong khi Nhà Trắng tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một dự luật thu hồi quyết định phê chuẩn của Nga đối với lệnh cấm thử hạt nhân toàn cầu đáp trả Mỹ.

CNN dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ ngày 9/3 nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đặc biệt lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc chiến trường.

Chính quyền Mỹ đưa ra nhận định như vậy dựa vào nhiều dấu hiệu khác nhau, các phân tích dữ liệu tình báo nhạy cảm.

Washington muốn lên một kế hoạch đối phó tốt nhất nếu Nga thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine. Do vậy, trong giai đoạn từ cuối mùa hè đến mùa thu năm 2022, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã triệu tập hàng loạt cuộc họp để đưa ra những kế hoạch dự phòng.

Theo đánh giá của phía Mỹ, một trong những sự kiện có thể khiến Nga sử dụng vũ khí hạt nhân là việc Ukraine giành lại quyền kiểm soát thành phố Kherson, khu vực mà Nga tuyên bố sáp nhập sau một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hồi tháng 9/2022.

Thời điểm đó, Nga cáo buộc Ukraine sử dụng "bom bẩn", một cáo buộc mà Washington cho rằng Moscow dựng lên để làm cớ cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các đồng minh để phát triển các kế hoạch dự phòng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga và phát thông điệp răn đe tới Nga về hậu quả của một cuộc tấn công như vậy.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, khẳng định đây chỉ là suy đoán điển hình của truyền thông phương Tây.

Nga nhiều lần nêu rõ học thuyết về hạt nhân của mình. Điện Kremlin cho biết, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi sự tồn tại của đất nước bị đe dọa.

Theo RT, Tass