1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga phái tàu chiến qua Kênh đào Panama

(Dân trí) - Nga hôm qua cho biết lần đầu tiên kể từ Thế chiến II sẽ phái một tàu chiến đi qua Kênh đào Panama. Tàu chiến sẽ đậu ở một căn cứ hải quân cũ của Mỹ, cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga trong khu vực.

Hải quân Nga tuyên bố tàu chiến sẽ thăm “căn cứ hải quân Rodman”, cái tên mà nước chủ nhà Panama không còn dùng kể từ khi tiếp quản căn cứ từ Mỹ vào năm 1999.

 

Tàu Đô đốc Chabanenko dự định sẽ tiến vào Kênh đào Panama vào sáng ngày thứ sáu và đến cuối ngày sẽ đến căn cứ hải quân Balboa (theo cách gọi của Panama).

 

Theo Adam Isacson, nhà phân tích tại Trung tâm chính sách quốc tế có trụ sở tại Washington, động thái mới của Nga được xem như là sự “trả miếng cho việc Mỹ can thiệp vào Gruzia, Ukraine và Đông Âu”, và mang ít mục đích quân sự.

 

Giống như Mỹ, Nga cũng đã có những hải cảng có thể giao thông với cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

 

“Phái một tàu khu trục qua Kênh đào Panama rõ ràng mang tính biểu tượng quan trọng và đây đơn thuần chỉ mang tính biểu tượng”, nhà phân tích Michael Shifter thuộc cơ quan phân tích Đối thoại Bắc – Nam Mỹ tại Washington nhận định.

 

Giới chức Mỹ cho đến nay không tỏ ra lo ngại về chuyến viếng thăm của tàu chiến Nga, cũng giống như thái độ đối với việc tàu chiến Nga trước đó tham gia vào các cuộc tập trận chung với hải quân Venezuela, “sân sau” của Mỹ. Các cuộc tập trận đã kết thúc vào hôm thứ hai vừa qua.

 

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã mời tàu Đô đốc Chabanenko và tuần dương hạm hạt nhân Peter Đại đế tham gia tập trận, để minh chứng cho mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ với Kremlin.

 

Trong khi đó, giới chức Panama cho biết họ sẽ đối xử với tàu đô đốc Chabanenko như các tàu khác.

 

Khi được mở cửa vào năm 1941, Kênh đào Panama là một biểu tượng cho thấy sức vươn ra toàn cầu ngày càng lớn của Mỹ. Và nó là một tiền đồn quân sự chính trong suốt nhiều thế hệ. Có một dải dài dọc con kênh đào này đã từng được coi là lãnh thổ của Mỹ.

 

Panama hiện đang triển khai một dự án nhiều tỷ đô la để mở rộng kênh đào, để nó có thể chứa nhiều tàu lớn hơn. Panama coi các căn cứ quân sự cũ của Mỹ như những điểm hấp dẫn khách du lịch. Cảng Amador gần đó ngày nay được người dân địa phương biết đến với những nhà hàng hải sản hơn là quá khứ quân sự của nó.

 

Phan Anh
Theo AP