1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga “phá trận” phương Tây bằng con bài tên lửa

Điện Kremlin thông báo Nga chính thức dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không S-300, The Wall Street Journal hôm 14/4 đưa tin. Cùng lúc, Mátxcơva cho biết đã ký hợp đồng bán tên lửa S-400 tối tân cho Trung Quốc.

 Hệ thống tên lửa S-300 của Nga. (Ảnh:

 Hệ thống tên lửa S-300 của Nga. (Ảnh: Sputnik)

Quyết định của Nga được đưa ra sau kết quả đột phá lớn trong cuộc gặp giữa các cường quốc thế giới và Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này hôm 2/4. Lẽ ra các hệ thống này đã được giao cho Tehran vào năm 2007, nhưng vào năm 2010 Nga đã đình chỉ việc giao hàng khi căng thẳng giữa Iran và phương Tây lên cao. Đây là một thắng lợi quan trọng đối với Mỹ và Israel khi đó bởi nếu Iran sở hữu hệ thống phòng không đáng sợ này, sẽ khiến kế hoạch không kích các cơ sở hạt nhân của Iran trở nên đầy rủi ro.

Australia khẳng định không phải nghi ngờ về khả năng của hệ thống tên lửa S-300 đã được sử dụng rộng rãi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quân đội Trung Quốc là nước sở hữu nhiều nhất các hệ thống tên lửa phòng không loại này, chỉ sau Nga. Các hệ thống tên lửa đầy uy lực S-300P và S-400 thường được mệnh danh là “Patriot của Nga” thậm chí còn có nhiều tính năng được đánh giá cao hơn các hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.

Năm 2010, khi Nga quyết định đình chỉ bán S-300 cho Iran, Nhà Trắng đã ca ngợi động thái trên của Tổng thống Nga lúc đó là ông Medvedev. Tờ New York Times cho biết chính quyền của ông Obama đã tha thiết mong hợp tác với Nga. Nhà Trắng nói rằng ông Medvedev “đã thể hiện uy quyền lãnh đạo” và “tiếp tục chứng tỏ Nga và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với nhau trên cơ sở những lợi ích chung cũng như về vấn đề an ninh toàn cầu”.

Theo WSJ, việc Nga chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 trị giá 800 triệu USD cho Iran đã lật ngược một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại lớn nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

WSJ nhìn nhận việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran cũng gợi lại những nguy cơ liên quan đến thỏa thuận hạt nhân đạt được gần đây giữa Iran và phương Tây. Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ được hoàn tất vào ngày 30/6.

Theo đó, Iran cắt giảm hoạt động hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ và dòng tiền chảy về Iran sẽ càng củng cố sức mạnh quân sự của nước này. Có S-300 trong tay, Tehran sẽ cảm thấy như được miễn nhiễm trước các vụ tấn công của phương Tây và do đó có thể trở nên hiếu chiến hơn tại Trung Đông.

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp S-300 cho Iran ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Israel. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nêu quan ngại của Washington về việc dỡ bỏ lệnh cấm của Nga với Iran.

Ông Kerry đã điện đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov về vấn đề này. “Thay vì yêu cầu Iran chấm dứt hoạt động khủng bố ở Trung Đông và thế giới, thì nước này lại được phép trang bị các loại vũ khí tiên tiến. Điều đó chỉ làm gia tăng sự hung hăng của Iran” - Bộ trưởng Tình báo Israel Yuval Steinitz nói với BBC.

Huffington Post dẫn lời các quan chức Israel than phiền rằng nếu việc chuyển giao được xúc tiến, có thể sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Iran có thể ngăn ngừa bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào các cơ sở hạt nhân.

Kênh truyền hình tin tức Channel 2 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên bày tỏ lo ngại về vụ việc. Lầu Năm Góc đã chỉ trích quyết định của Nga. Giáo sư Tom Nichols thuộc Trường chiến tranh hải quân Mỹ phát biểu trên Business Insider rằng thông báo của ông Putin và thời điểm diễn ra cho thấy tác động rất hạn hẹp của chính sách Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt với Nga và Iran.

Theo giáo sư Nichols, Nga chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran thể hiện Nga và Iran nhấn mạnh thực tế rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không cần bận tâm tới Mỹ.

Việc bán vũ khí tiên tiến cho Tehran là một chính sách đối ngoại trả đũa của Tổng thống Putin nhằm hủy hoại liên minh an ninh thường trực của phương Tây và xa hơn thể hiện quyền lực của Mátxcơva. Ngoài việc bán S-300, Nga còn thông báo đã bắt đầu đàm phán chuyển giao thiết bị và lương thực cho Iran để đối lấy 500.000 thùng dầu/ngày.

Huffington Post cũng cho biết, Nga cũng đồng thời thông báo kế hoạch bán cho Trung Quốc hệ thống tên lửa S-400 tối tân hôm 13/4.

Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ nhận thêm 6 tàu ngầm Kilo cải tiến, 6 tàu hộ vệ tên lửa lớp Đô đốc Grigorovich và 4 tàu đổ bộ cỡ lớn Ivan Gren. Phó đô đốc hải quân Nga Alexander Vitko cho biết, Hạm đội Biển Đen sẽ được biên chế 206 tàu vào năm 2020, trong đó bổ sung thêm 80 chiến hạm mới và mở rộng căn cứ hải quân thứ hai tại Novorossiysk. Việc tăng cường Hạm đội Biển Đen cùng với quá trình quân sự hóa bán đảo Crimea đã tạo thế uy hiếp lớn với NATO và các nước thành viên dọc Biển Đen. Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh NATO nhận định, các hệ thống vũ khí từ hệ thống phòng không có thể bao trùm một nửa bầu trời Biển Đen tới hệ thống tấn công mặt đất bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đen đã biến Crimea thành một bệ đỡ lớn cho thấy sức mạnh Nga khắp khu vực, Huffington Post tường thuật.
  
Theo Thục Ninh (tổng hợp)
Tiền Phong