1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nói phương Tây lo sợ “chậm chân” phát triển vắc xin Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Nhà khoa học Nga cho rằng sự chỉ trích của phương Tây nhằm vào vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới bắt nguồn từ tâm lý cạnh tranh với Moscow.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.

Nga nói phương Tây lo sợ “chậm chân” phát triển vắc xin Covid-19 - 1

Phó chủ tịch Học viện Khoa học Nga Vladimir Chekhonin. (Ảnh: Sputnik)

Vladimir Chekhonin, phó chủ tịch Học viện Khoa học Nga, cho rằng sự chỉ trích của phương Tây nhằm vào vắc xin Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga xuất phát từ sự cạnh tranh. Ông Chekhonin nhận định các nước phương Tây cảm thấy không hài lòng khi họ đi sau Nga trong việc phát triển vắc xin Covid-19.

"Các đồng nghiệp nước ngoài của chúng tôi thường hay chỉ trích, đôi khi chỉ trích thái quá về vắc xin của Nga vì họ hiểu rằng họ đang đi sau chúng tôi", ông Chekhonin nói với hãng tin Tass khi bình luận về phản ứng của các nhà khoa học nước ngoài đối với Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Gamaleya phát triển tại Moscow.

Tuy nhiên, nhà khoa học Nga nhận định tình hình này sẽ không kéo dài.

“Một loại vắc xin sẽ sớm được đăng ký tại Trung Quốc. Tôi chắc chắn vắc xin này sẽ hoàn thành trong 2-3 tuần tới”, ông Chekhonin dự đoán.

Ông Chekhonin cũng dự đoán Mỹ sẽ đăng ký một loại vắc xin vào cuối năm nay.

Ông Chekhonin tin rằng vắc xin Sputnik V ra đời là kết quả của quá trình nghiên cứu và kinh nghiệm của các nhà khoa học Nga.

"Tôi không muốn nói nhiều đến chính trị, đó không phải lĩnh vực của tôi. Nhưng nếu chỉ nói về những khía cạnh khoa học, tôi có thể nói rằng vắc xin của chúng tôi không phải phát triển từ con số 0. Trung tâm Gamaleya có một đội ngũ chuyên gia rất mạnh", ông Chekhonin nhấn mạnh.

"Họ có nhiều kinh nghiệm, cả về kỹ thuật sinh học và kỹ thuật gien cũng như kinh nghiệm trong việc phát triển các loại cấu trúc khác nhau dựa trên các thành phần của virus adeno. Họ có nhiều kinh nghiệm về công nghệ sinh học. Họ cũng có cơ sở sản xuất riêng, mặc dù quy mô khá nhỏ. Họ có tất cả yếu tố mà một đội ngũ phát triển vắc xin cần", phó chủ tịch Học viện Khoa học Nga cho biết thêm.

Theo ông Chekhonin, các nhà khoa học từ Học viện Khoa học Nga đã nghiên cứu khả năng phát triển một loại vắc xin dựa trên các kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Gamaleya.

"Những quyết định này dựa trên hiểu biết khoa học sâu sắc mà Trung tâm Gamaleya đã xây dựng từ những kinh nghiệm nghiên cứu về virus corona gây dịch SARS và MERS", ông Chekhonin nói.

Chuyên gia này khẳng định các nền tảng phát triển vắc xin khác nhau đã chứng minh rằng Nga “rất mạnh trong lĩnh vực này” và Nga có “tiềm năng phát triển mạnh mẽ".

Sau khi Nga phê chuẩn vắc xin Covid-19, khoảng 20 quốc gia đã đặt hàng trước vắc xin này, trong đó các nước Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Mexico là một trong những nước gần đây nhất muốn thử nghiệm vắc xin Covid-19 của Nga.

Sau cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Mexico Viktor Koronelli, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard ngày 19/8 cho biết ông rất quan tâm tới việc thực hiện thử nghiệm quy mô lớn trên người để có vắc xin Nga tại Mexico “càng sớm càng tốt”.

Nga đã sản xuất lô vắc xin Covid-19 đầu tiên, trước khi hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 3 với sự tham gia của hàng nghìn người. Thử nghiệm giai đoạn 3 được xem là bước cần thiết để một vắc xin đảm bảo sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Cuộc chạy đua sản xuất vắc xin Covid-19 đã trở thành một cuộc cạnh tranh về sự ảnh hưởng và uy tín giữa các cường quốc, trong khi các nước đang phát triển vẫn đang cố gắng đảm bảo việc phân phối vắc xin một cách công bằng.