1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga nêu điều kiện "phá băng" với Mỹ

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ chỉ có thể nối lại sau khi đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Nga nêu điều kiện phá băng với Mỹ - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

"Tính đến hôm nay, thật vô ích khi nói về bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược với Mỹ", Vladimir Yermakov, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề không phổ biến hạt nhân và kiểm soát vũ khí Nga, tuyên bố hôm 30/4.

"Cuộc đối thoại này chính thức bị phía Mỹ "đóng băng"", ông Yermakov nói, đồng thời cho biết các động thái của Washington liên quan đến vấn đề này "đang được đưa ra theo hướng hoàn toàn trái ngược" so với Moscow.

Theo ông Yermakov, các bên có thể quay trở lại "một cuộc trao đổi thực chất về triển vọng nối lại tiến trình đàm phán chính thức giữa Nga và Mỹ trong chương trình nghị sự chiến lược chỉ sau khi đạt được tất cả nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine".

Nga nhiều lần chỉ trích việc Mỹ và phương Tây viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm đối phó chiến dịch quân sự của Moscow. Washington và đồng minh đã cung cấp cho Kiev tài chính cũng như các loại vũ khí trong suốt nhiều tuần qua.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 29/4 cho biết, Mỹ đã cam kết viện trợ 4,3 tỷ USD cho quân đội của Ukraine kể từ năm 2021, đồng thời xác nhận Mỹ đã bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine ở Đức và các nơi khác ở châu Âu.

Anh, một đồng minh của Mỹ, cũng đang hỗ trợ huấn luyện binh sĩ Ukraine nâng cao kỹ năng tác chiến. Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần trước thông báo: "Chúng tôi đang huấn luyện cho binh sĩ Ukraine ở Ba Lan sử dụng hệ thống phòng không và các xe bọc thép".

Ở giai đoạn đầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây chủ yếu cung cấp cho Kiev những hệ thống vũ khí đơn giản như tên lửa phòng không, tên lửa chống tăng vác vai. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi Nga tăng cường binh lực và tập trung cho mặt trận miền Đông Ukraine, phương Tây cho rằng, Kiev cần được trang bị vũ khí hạng nặng và hiện đại hơn. Ngoài cung cấp các hệ thống do Liên Xô sản xuất, các nước này cũng chuyển cho Ukraine những hệ thống vũ khí hiện đại khác đòi hỏi phải có đào tạo vận hành.

Moscow nhiều lần cảnh báo bất cứ lô vũ khí nào từ bên ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của lực lượng Nga. Những tuần gần đây, Nga tăng cường không kích nhằm các tuyến đường tiếp tế cho Ukraine tập trung ở phía Tây nước này, phá hủy các nhà ga đường sắt, các cây cầu quan trọng cũng như kho vũ khí, kho nhiên liệu. Bất chấp điều này, phương Tây tuyên bố tiếp tục trang bị quân sự cho Ukraine đến khi đẩy lùi hoàn toàn đà tiến công của Nga.

Theo RT