Nga nêu điều kiện giải quyết hòa bình cuộc xung đột Ukraine
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố các cuộc đàm phán về xung đột ở Ukraine phải dựa trên tình hình thực tế.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik hôm 30/5, khi được hỏi liệu có khả năng Nga đẩy nhanh quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột ở Ukraine hay không, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Về mặt lý thuyết, có khả năng đó".
Theo ông Lavrov, để điều này xảy ra, "phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và Kiev phải chấm dứt hành động thù địch". Ông khẳng định "quá trình này diễn ra càng sớm, giải pháp chính trị sẽ bắt đầu càng nhanh".
"Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố, kể cả ở cấp cao nhất, rằng Nga vẫn sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng chúng tôi đang tìm kiếm hòa bình, chứ không chỉ là ngừng bắn", ngoại trưởng Nga nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng, việc ngừng bắn không mang lại lợi ích.
"Không có ích gì khi cho đối phương tạm dừng xung đột, họ sẽ một lần nữa lợi dụng điều này để tập hợp lại lực lượng và tái vũ trang. Các cuộc đàm phán phải dựa trên nguyên tắc an ninh không thể chia cắt và dựa trên tình hình thực địa", ông Lavrov nói thêm.
Khi được hỏi liệu Nga có thấy lực lượng nào ở Ukraine sẵn sàng tham gia đối thoại hòa bình không, trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống của ông Volodymyr Zelensky kết thúc, Ngoại trưởng Lavrov nói: "Ở Kiev, "phe nhóm chiến tranh" đang nắm quyền và nỗ lực để đánh bại Nga trên chiến trường".
"Trong những điều kiện như vậy, khó có thể tưởng tượng được một cuộc đối thoại vì hòa bình. Hơn nữa, kể từ ngày 30/9/2022, lệnh cấm đàm phán hợp pháp với lãnh đạo Nga đã được áp dụng ở Ukraine", ông Lavrov nói.
Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh cấm mọi cuộc đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông cũng đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea. Moscow bác bỏ kế hoạch này, mặc dù nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev.
Theo ông Lavrov, liên quan đến địa vị pháp lý của Volodymyr Zelensky sau ngày 20/5, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ về vấn đề này trong cuộc họp báo ở Minsk ngày 24/5.
"Hãy hy vọng sớm hay muộn sẽ xuất hiện ở Ukraine những thế lực chính trị quan tâm đến lợi ích của người dân. Hiện tại, Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi đạt được mục tiêu", ông Lavrov nói thêm.
Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.
Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.
Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.
Đầu năm nay, ông Zelensky tiếp tục nhắc lại việc không thể tổ chức bầu cử do tình hình chiến sự và do nhu cầu huy động nhập ngũ toàn quốc.
Hôm 21/5, ông Zelensky khẳng định: "Nhiệm kỳ 5 năm của tôi chưa kết thúc, nhiệm kỳ vẫn đang tiếp tục vì tình trạng thiết quân luật".