1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ có phản hồi tích cực ngay sau khi Ukraine quay lại bàn đàm phán.

Nga nêu điều kiện đàm phán hòa bình với Ukraine - 1

Lực lượng vũ trang thân Nga triển khai ở thành phố Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không làm gián đoạn quá trình đàm phán. Đàm phán bị tạm dừng do các đối tác phía Ukraine. Ngay sau khi họ bày tỏ thiện chí quay lại bàn đàm phán, chúng tôi sẽ phản hồi tích cực", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko cho biết hôm nay 19/5.

"Cái chính là phải có vấn đề nào đó để thảo luận", ông Rudenko nhấn mạnh.

Trước đó, ông Rudenko hôm 17/5 cho biết các cuộc đàm phán với Ukraine đã bị đình trệ và Ukraine trên thực tế đã rút khỏi tiến trình đàm phán. Ông cũng cho biết Kiev đã không phản hồi về dự thảo hiệp ước hòa bình do Nga đề xuất.

Cuối tháng 4, giới chức Nga thông báo đã chuyển cho Ukraine dự thảo hiệp ước hòa bình với các điều khoản chi tiết, nhưng phàn nàn rằng không nhận được phản hồi của Kiev. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định không nhận được bất cứ dự thảo nào từ Moscow.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và là thành viên của đoàn đàm phán Ukraine, hôm nay tuyên bố Ukraine chỉ có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn với Nga nếu Nga rút quân hoàn toàn khỏi Ukraine.

Trước đó, ông Podolyak cho biết các cuộc đàm phán với Nga về việc giải quyết xung đột đã bị đình chỉ, do Nga "vẫn mang tư duy rập khuôn". Theo ông Podolyak, Nga không nhận ra rằng cuộc chiến tại Ukraine "không còn diễn ra theo đúng cách thức, kế hoạch và lịch trình" mà Moscow dự tính.

"Kể từ khi hai phái đoàn gặp nhau ở Istanbul, không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào, cũng không có tiến triển nào. Sự phản kháng ngày càng mạnh mẽ của Ukraine là lý do Nga không thể đạt được mục tiêu của mình", nhà đàm phán Ukraine nhận định.

Ukraine và Nga đã không tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp kể từ ngày 29/3. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc Ukraine đã rút lại thỏa thuận ban đầu khiến đàm phán bế tắc.

Ngoại trưởng Lavrov cũng cáo buộc phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, đang "giật dây" các nhà đàm phán của Ukraine và tìm cách kéo dài cuộc xung đột vì tin rằng xung đột càng kéo dài thì Nga càng tổn thất.

Khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã đặt ra các mục tiêu, trong đó buộc Kiev cam kết trung lập, không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ, công nhận độc lập của vùng ly khai Donbass và công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga. Mặc dù vậy, chính quyền Tổng thống Zelensky nhiều lần tuyên bố rằng, Kiev sẵn sàng đàm phán vị thế trung lập, nhưng không thỏa hiệp về lãnh thổ.

Phó Đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky tuần trước tuyên bố, Nga sẵn sàng dừng ngay lập tức "chiến dịch quân sự đặc biệt" nếu Ukraine "thừa nhận thực tế rằng họ buộc phải thỏa hiệp", phải "phi phát xít hóa", "phi quân sự hóa", và "thừa nhận rằng người dân ở Đông Ukraine cũng có quyền sống cuộc sống mà họ mong muốn".

Ngược lại, ông Polyansky cảnh báo, chiến dịch có thể kéo dài khi phương Tây can thiệp. Bất chấp cảnh báo của Nga, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, tuyên bố tiếp tục trang bị vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng, cho Ukraine.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine