1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga nêu cách nhanh nhất chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga tuyên bố vấn đề Ukraine sẽ không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Moscow.

Nga nêu cách nhanh nhất chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin (Ảnh: TASS).

"Giải quyết vấn đề Ukraine là bất khả thi nếu không có Nga. Ngày càng ít người tham gia hội nghị về cuộc khủng hoảng Ukraine ở Thụy Sĩ. Ngày càng có nhiều quốc gia tin rằng chính sách của Washington và Brussels dựa trên đạo đức giả và tiêu chuẩn kép", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin tuyên bố hôm 4/6.

Ông Volodin cho biết Ả Rập Xê Út sẽ không tham gia hội nghị hòa bình Ukraine và Trung Quốc đã từ chối tham dự.

"Ngay cả các đồng minh của Mỹ như Australia cũng đang hạ thấp mức độ tham gia. Thay vì thủ tướng, một bộ trưởng nước này sẽ tới Thụy Sĩ", quan chức Nga cho biết, đồng thời nhấn mạnh việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không còn tư cách lãnh đạo đất nước vì nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc.

"Một mặt, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng lôi kéo các nước đến hội nghị ở Thụy Sĩ, nói dối về mong muốn giải quyết hòa bình, mặt khác, họ cho phép chính quyền Kiev tấn công bằng vũ khí của họ vào lãnh thổ Nga", ông Volodin nói thêm.

"Trong khi đó, cách hiệu quả nhất và nhanh nhất để chấm dứt xung đột ở Ukraine là ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev. Mọi nỗ lực nhằm áp đặt các điều khoản cho Nga dựa trên các quyết định được đưa ra tại các cuộc họp thiên vị do Washington và Brussels tổ chức đều sẽ thất bại", quan chức Nga kết luận.

Moscow nhiều lần cảnh báo việc phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine cho thấy thực tế các nước này đã tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Nga cũng cho rằng, những viện trợ này chỉ kéo dài xung đột, nối dài khổ đau cho người Ukraine thay vì có thể thay đổi tình hình.

Nhà Trắng cho biết, phái đoàn Mỹ do Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tuần tới.

Nhà Trắng không nêu rõ lý do Tổng thống Biden quyết định không dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine. 

Theo đề nghị của Ukraine, Thụy Sĩ đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine vào ngày 15-16/6 tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock.

Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, hội nghị nhằm tạo ra khuôn khổ thuận lợi cho một nền hòa bình toàn diện và lâu dài ở Ukraine, cũng như một lộ trình cụ thể cho sự tham gia của Nga vào tiến trình hòa bình.

Tổng cộng 107 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham dự hội nghị.

Trước đó, Tổng thống Ukraine đã hối thúc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị. Tuy nhiên, ông Biden đã cử cấp phó tham dự thay. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng từ chối tham gia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 3/6 giải thích, hội nghị "chưa đáp ứng những đề nghị của Trung Quốc lẫn kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế, nên Trung Quốc khó tham dự".

Mặt khác, bà khẳng định nước này giữ lập trường "cởi mở và minh bạch" về các nỗ lực đối thoại hòa bình để giải quyết xung đột tại Ukraine. Bà bác cáo buộc của Kiev cho rằng Trung Quốc cản trở các nước khác tham dự hội nghị.

Giới chức Ukraine tuyên bố, "công thức hòa bình 10 điểm" do Tổng thống Volodymyr Zelensky cần được coi là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Nga nhằm chấm dứt xung đột. Công thức này yêu cầu Nga phải rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.

Thụy Sĩ cho biết họ sẽ tổ chức một hội nghị hòa bình dựa trên kế hoạch của Tổng thống Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho biết sẽ không tham dự hội nghị kể cả được mời. Moscow cũng nêu quan điểm, bất cứ hội nghị nào về hòa bình Ukraine mà không có sự tham gia của Nga đều vô nghĩa.

Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh, việc thảo luận giải quyết xung đột Ukraine dựa trên "công thức hòa bình" của Tổng thống Zelensky là "lãng phí thời gian, trí tuệ một cách vô nghĩa".

Moscow tuyên bố sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nhưng phải dựa trên "các thực tế mới", nói cách khác là Ukraine phải thừa nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo Tass