1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vũ khí hoàn toàn mới của Nga khiến Ukraine bất an

Minh Phượng

(Dân trí) - Khu vực giáp chiến tuyến của Ukraine và sâu phía sau đã không còn an toàn khi không quân chiến thuật Nga sử dụng bom lượn có điều khiển hoàn toàn mới Grom-E1/2.

Vũ khí hoàn toàn mới của Nga khiến Ukraine bất an - 1

Đội hình chiến đấu cơ Su-34 Nga bay trên Quảng trường Đỏ ở Moscow trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 7/5/2019 (Ảnh: Reuters).

Chiến tuyến phía sau của Ukraine không còn an toàn

Bom lượn có điều khiển Grom-E1/2 được thiết kế để tấn công các mục tiêu cố định có tọa độ đã biết trước trên mặt đất, như hầm trú ẩn, đường băng, cầu cống, các điểm tập trung quân, kho hậu cần, trận địa pháo binh…

Bom Grom do Tập đoàn Kronstadt (St. Petersburg) phát triển và Tổng công ty Vũ khí Tên lửa Chiến thuật Nga (KTRV) sản xuất.

Grom-E1/22 và bom lượn FAB sử dụng mô-đun UMPK là hai loại vũ khí có thiết kế hoàn toàn khác nhau.

FAB là loại bom "ngu" được thả rơi tự do từ máy bay, nhưng nhờ có sự cải tiến khi trang bị thêm mô-đun cánh lượn UMPK, chúng đã trở nên "thông minh" .

Ưu điểm của FAB sử dụng mô-đun UMPK là tận dụng được số bom thường mà Nga có sẵn trong kho, biến chúng thành vũ khí có điều khiển. Nhược điểm là độ chính xác không cao và đặc biệt là tầm bay không lớn do thiết kế khí động học để thả rơi tự do.

Grom thực chất là loại bom "2 trong 1" của FAB và mô-đun cánh lượn UMPK khi tất cả được thiết kế thành một khối, do vậy chúng có hình dáng khí động học tối ưu nên có tầm bay xa hơn và độ chính xác cao hơn nhiều.

Báo Anh Telegraph đã đăng bài viết của chuyên gia quân sự nổi tiếng David Axe về việc người Nga sử dụng Grom-E1 để công kích các mục tiêu trên chiến trường Ukraine.

Chuyên gia David Axe cho biết, không quân chiến thuật Nga đã bắt đầu sử dụng với số lượng lớn Grom-E1/E2, có tầm bay xa gấp ba lần FAB với mô-đun cánh lượn UMPK.

Bom Grom-E2 giúp máy bay chiến đấu Nga thực hiện các cuộc tấn công từ bên ngoài phạm vi phòng không của Ukraine, điều mà theo chuyên gia Axe, là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Việc Nga tăng cường sử dụng loại vũ khí này được coi là phản ứng của Moscow đối với việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine được trang bị tên lửa không đối không tầm xa AIM-120, có tầm bắn lên tới 40 dặm (64km).

Khi Su-34 xuất kích luôn được những chiếc tiêm kích Su-30SM hoặc Su-35 bay kèm bảo vệ khiến các cuộc đối đầu giữa "Chim ưng" F-16 và Su-34 là khó có thể xảy ra.

Chuyên gia David Axe cũng cho biết, trong các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Ukraine ở Zaporizhia, Kharkov, Kherson và Mirnograd, Grom-E1 đã được Nga sử dụng với số lượng lớn.

Vũ khí hoàn toàn mới của Nga khiến Ukraine bất an - 2

Bom lượn Grom-E1/E2 thế hệ mới của Nga (Ảnh: Espreso).

Bom Grom có gì mà khiến Ukraine và phương Tây phải "giật mình"?

TASS, trích dẫn thông tin từ Công ty KRTV cho biết về một số đặc điểm kỹ - chiến thuật của bom Grom.

Grom-E1/2 được Nga thiết kế để sử dụng trên hầu hết các dòng máy bay chiến đấu của họ, bao gồm cả máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ năm Su-57. Hiện có hai phiên bản là Grom-E1 và Grom-E2.

Năm 2015, KRTV đã lần đầu giới thiệu loại vũ khí này trong Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2015 với tên gọi bom dẫn đường 9-A-7759 Grom.

Sản phẩm kết hợp cùng lúc hai loại vũ khí đầy hứa hẹn, đó là tên lửa dẫn đường Grom-E1 và bom lượn Grom-E2, được các chuyên gia chuyên ngành đặt cho cái tên không chính thức là "Russia Zeus".

Tổ hợp này đã hoàn thành các bước thử nghiệm kỹ thuật và đạt đến giai đoạn thử nghiệm cấp nhà nước vào giữa năm 2018 nhưng không được quân đội Nga chấp nhận đưa vào biên chế chiến đấu. Lý do là khi đó họ còn quá nhiều FAB thời Liên Xô để lại.

Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, không quân chiến thuật Nga thiệt hại một số máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhưng do thiếu vũ khí thông minh tầm xa nên phải sử dụng phần lớn FAB thả rơi tự do và tên lửa không điều khiển.

Chiến đấu cơ Su-34 hay Su-35 của Nga phải sử dụng phương pháp bổ nhào từ thời Thế chiến II do vậy dễ dàng biến thành mục tiêu cho các vũ khí phòng không tầm thấp của Ukraine, khiến không quân chiến thuật Nga có giai đoạn rơi vào khủng hoảng.

Trước bối cảnh đó, ngoài việc nhanh chóng cải tiến FAB thành các loại có điều khiển - như bom JDAM-ER của Mỹ - thì 9-A-7759 Grom cũng được Nga tăng tốc đưa vào sản xuất loạt. Đồng thời Grom cũng có một số cải tiến, dựa trên kinh nghiệm của chiến trường Ukraine.

Cả hai phiên bản đều được chế tạo theo thiết kế khí động học tiêu chuẩn, có thân hình trụ với cánh gấp xuôi và mũi hình nhọn như đầu đạn pháo. Các giải pháp kỹ thuật như vậy đảm bảo tích hợp dễ dàng lên các loại máy bay chiến đấu cả ở mấu treo bên ngoài và bên trong khoang bom.

Cả  Grom-E1 và Grom-E2 đều có tốc độ bay cận âm gần như nhau (khoảng 300 m/s hoặc 1.080km/h). Hệ thống dẫn đường hiện đại, có khả năng chống nhiễu cao trước các biện pháp đối phó điện tử của đối phương và cách duy nhất để vô hiệu hóa chúng là tác động bằng ngoại lực ở trên không. Phòng không Ukraine hiện chưa có khả năng đánh chặn loại vũ khí mới này.

Bom Grom-E1 được trang bị một động cơ tên lửa nhỏ, biến nó thành một tên lửa hành trình giá rẻ. Tầm bay tối đa của Grom-E1 có thể tới 200km nếu sử dụng động cơ tên lửa lớn và 120km nếu sử dụng động cơ tên lửa nhỏ hơn.

Các đặc điểm kỹ - chiến thuật chính của Grom-E1 như sau: Tầm bay tối đa: 120km; độ cao tối ưu khi máy bay thả bom: 12.000 mét; chiều dài: 4,2 mét; sải cánh: 1,9 mét. Trọng lượng toàn bộ: 598kg; đầu đạn: 315kg.

Đối với Grom-E2, trọng lượng, kích thước tổng thể giống hệt Grom-E1. Tuy nhiên, đầu đạn của nó gồm hai phần với khối lượng lần lượt là 165 và 315 kg. Tốc độ và độ cao của máy bay tương tự như Grom-E1, nhưng phạm vi bay hiệu quả thấp hơn đáng kể, không quá 80km, do không sử dụng động cơ tên lửa đẩy phụ.

Đầu đạn Grom-E1/E2 có thể là loại nổ phá mảnh thông thường. Nhưng để giải quyết một số nhiệm vụ chiến đấu nhất định, chúng còn có thể được trang bị đầu đạn nhiệt áp, có thể kích nổ trên không, cách mặt đất từ 6 đến 12 mét, mang lại hiệu quả chiến đấu cao nhất khi tiêu diệt quân đối phương nằm trong các loại hầm trú ẩn khác nhau.

Thời hạn sử dụng của cả Grom-E1 và Grom-E2 là 12 năm, số lần cất cánh/hạ cánh của máy bay khi mang bom không quá 30 lần.

Hiện tại, Grom đã được đưa vào sản xuất hàng loạt và được không quân chiến thuật Nga tích cực sử dụng trên chiến trường, trong đó có vụ tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine ở khu vực thành phố Zaporizhia thời gian gần đây. Độ chính xác và uy lực của Grom-E1/E2 khiến Ukraine và phương Tây đặc biệt lo ngại do không có phương cách ngăn chặn hiệu quả.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine