1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga - NATO: Đề nghị đầy ẩn ý

Nga vừa có động thái mới: đề nghị không triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu. Trước viễn cảnh hiệp ước INF không còn hiệu lực, cần hiểu thế nào về “hiểm ý” này của Nga?

Nga - NATO: Đề nghị đầy ẩn ý - 1

Nỗi lo lớn nhất của thành viên NATO ở châu Âu là bị vạ lây bởi chạy đua vũ trang và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga. Minh họa của trang Latest Laws.

Với đề nghị mới về không triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đẩy NATO nói chung và các thành viên của liên minh quân sự này ở châu Âu nói riêng vào tình thế khó xử.

Hiểm ý của ông Putin

NATO vốn luôn thúc ép Nga tiếp tục tuân thủ Hiệp ước về vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) cả sau khi Mỹ đã chủ động rút ra khỏi thoả thuận này, nhưng lại không chấp nhận đề nghị mới kia với nội dung tương tự như INF của ông Putin vì không tin ông Putin và vì đã có một kiểu phản xạ có điều kiện là đề nghị nào của Nga về giải trừ quân bị hay về chính trị an ninh châu lục đều bị NATO bác bỏ trước đã, chuyện xem xét hay chấp nhận rồi sẽ được tính sau.

Đề nghị mới này đã được ông Putin gửi qua thư tới lãnh đạo một số nước thành viên NATO ở châu Âu, không gửi tới tất cả các thành viên NATO và không gửi tới Mỹ. Chủ ý của ông Putin là đề cập riêng đến chuyện triển khai tên lửa tầm trung - với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km - ở châu Âu. Theo đó, Nga và các nước này không triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ. Việc này liên quan đến cả tên lửa thông thường lẫn tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, có nghĩa vừa là chuyện giải trừ quân bị thông thường lẫn giải trừ vũ khí hạt nhân và đặc biệt là ngăn ngừa bùng phát cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân sau khi hiệp ước INF không còn hiệu lực.

Nga không phát triển và triển khai tên lửa tầm trung là điều NATO rất mong muốn. Nhưng NATO lại không muốn chấp nhận và hiện chưa thể chấp nhận đề nghị nói trên của ông Putin vì những ẩn ý của ông Putin ở trong đó mà NATO coi là hiểm ý đối với NATO. Bởi những lý do sau đây.

Thứ nhất, NATO vốn cùng quan điểm với Mỹ cho rằng, Nga trong thời gian qua đã phát triển và chế tạo thế hệ tên lửa tầm trung mới. Mỹ coi đó là một lý do biện minh cho quyết định đơn phương ngừng tuân thủ INF và không tiếp tục gia hạn hiệu lực của hiệp ước này. Bây giờ, nếu chấp nhận đề nghị mới này của Nga thì có nghĩa là NATO chấp nhận tình thế bất lợi so với Nga trên phương diện tên lửa tầm trung. Cho nên, NATO sẽ chỉ chấp nhận đề nghị này sau khi đã kiểm chứng được là Nga không còn tên lửa tầm trung nữa được triển khai ở phần lãnh thổ thuộc châu Âu của Nga.

Thứ hai, NATO vốn không lạ một chủ ý của Nga là phân hoá NATO với Mỹ và phân hoá các thành viên NATO ở châu Âu với Mỹ. INF là thoả thuận riêng về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, giữa Mỹ và Nga ngày nay, không phải là giữa NATO với Liên Xô trước đây, giữa NATO và Nga ngày nay. Nhưng giờ, Nga đề nghị có thoả thuận thay thế nó chỉ giữa Nga và các nước châu Âu, nhằm vào điểm yếu nhất của NATO là khoảng cách giữa Mỹ và các thành viên NATO ở châu Âu, nhằm vào nỗi lo thường trực lớn nhất của các nước thành viên NATO ở châu Âu là bị vạ lây về chính trị an ninh bởi căng thẳng và bất hoà, xung khắc và đối đầu hay chạy đua vũ trang và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Nga.

Bác bỏ đề nghị này của ông Putin, các nước kia vô hiệu hoá nỗ lực của Nga phân rẽ Mỹ với NATO và Mỹ với các thành viên NATO ở châu Âu, nhưng lại duy trì sự lệ thuộc của họ vào cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ và sẽ tiếp tục là con tin của mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Mũi tên nhằm nhiều đích

Thứ ba, đề nghị này của ông Putin vừa tạo lợi thế cho Nga trong cả cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân lẫn giải trừ vũ khí hạt nhân tới đây sẽ diễn ra giữa Mỹ và Nga lại vừa giúp cho Trung Quốc có thể tiếp tục đứng ngoài cuộc như từ trước đến nay.

Một lý do khác nữa Mỹ dùng để lập luận cho quyết định đơn phương chấm dứt tuân thủ hiệp ước INF là các nước khác sở hữu vũ khí hạt nhân, đặc biệt và trước hết là Trung Quốc, không bị chế tài bởi INF. Ông Putin đưa ra đề nghị này đẩy cả Mỹ, NATO và các nước thành viên NATO ở châu Âu vào tình thế bị động đối phó về tham gi giải trừ quân bị và vũ khí hạt nhân mà không hề động chạm gì đến Trung Quốc. Một khi phía bên kia không chấp nhận đề nghị này của ông Putin thì tự chứng tỏ là không thật lòng với việc giải trừ quân bị và giải trừ vũ khí hạt nhân, khi ấy, không thể yêu cầu và đòi hỏi các nước khác trên thế giới, trước hết và đặc biệt là Trung Quốc, phải giải trừ quân bị và vũ khí hạt nhân.

Cái khó xử của NATO ở đây trong thực chất là phản ứng hay đáp trả theo chiều hướng nào và với cách thức nào thì ông Putin cũng vẫn được lợi. Ý tưởng này của ông Putin dẫu có bất thành thì vẫn đắc dụng cho tác giả của nó.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm