1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nâng cấp máy bay ném bom hạt nhân với tên lửa “sát thủ” diệt tàu sân bay

(Dân trí) - Nga sẽ tung ra biến thể cải tiến của máy bay ném bom chiến lược huyền thoại Tu-22M với những cải tiến đáng kể về kho vũ khí, bao gồm Kh-32, tên lửa được mệnh danh là “sát thủ” tiêu diệt tàu sân bay.

Máy bay Tu-22M3M mang theo tên lửa Kh-32 (Ảnh: Sputnik)
Máy bay Tu-22M3M mang theo tên lửa Kh-32 (Ảnh: Sputnik)

The Diplomat đưa tin, Nga ngày 16/8 dự kiến sẽ công bố phiên bản hiện đại Tu-22M3M của máy bay ném bom hạt nhân siêu âm Tu-22M. Trong lần cải tiến lần này, Nga sẽ trang bị cho chim sắt mới tên lửa siêu thanh tầm xa Kh-32.

Tu-22M lần đầu cất cánh vào năm 1969 với cấu tạo cánh cụp cánh xòe và khả năng mang vũ khí đáng nể vào khoảng 24 tấn. Tu-22M là đối thủ xứng tầm của máy bay ném bom B1-B Lancer của Mỹ.

Biển thể Tu-22M3M lần này sẽ tập trung vào hiện đại hóa hệ thống điện tử, thông tin liên lạc và điều khiển của máy bay có từ thời Chiến tranh Lạnh. Cùng với đó, Nga sẽ bổ sung thêm các tên lửa chống hạm, bom, tên lửa tấn công mặt đất, pháo tự động vào kho vũ khí của Tu-22M3M.

Ngoài hệ thống radar Leninets PN-AD và hệ thống định vị/tấn công NK-45, Nga sẽ trang bị thêm tên lửa Kh-32 cho Tu-22M3M. Giới chuyên gia quân sự cho rằng máy bay ném bom của Nga sẽ như “hổ mọc thêm cánh” với sự hỗ trợ của Kh-32.

Trong khi tên lửa tiền nhiệm Kh-22 trên các máy bay Tu-22M có khả năng tấn công tàu sân bay, thì Kh-32 thậm chí có thể tấn công vào cầu, căn cứ quân sự, các nhà máy điện và những công trình quy mô lớn ở khoảng cách rất xa. Với vận tốc ấn tượng, khi bắn ra Kh-22 sẽ giống như một viên đạn khổng lồ bắn xuyên qua vỏ tàu sân bay tạo thành 1 lỗ lớn. Đầu đạn nặng gần 1 tấn sẽ phát nổ sau đó và khiến toàn bộ phía trong tàu nổ tung và chìm xuống. Kh-22 có thể bắn chìm 1 tàu khu trục chỉ bằng 1 phát bắn duy nhất và "chôn vùi" tàu sân bay chỉ bằng 2-3 phát bắn trúng đích.

Trong khi đó, Kh-32 được mô tả có rất nhiều đặc điểm giống như tên lửa đường đạn khí động (aero-ballistic). Được trang bị động cơ lỏng, Kh-32 có thể bay lên độ cao 39 km, trước khi chuyển hướng lao thẳng xuống mục tiêu. Theo phía Nga, tốc độ của Kh-32 là Mach 5 (6.200 km/h), tầm bay trên 1.000 km. Kh-32 được dẫn đường bằng hệ thống kết hợp giữa hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu GLONASS và radar chủ động. Ưu điểm của Kh-32 so với Kh-22 là khả năng kháng nhiễu cao hơn đáng kể.

The Diplomat đánh giá, việc triển khai Kh-32 sẽ là thách thức lớn đối với các hệ thống phòng thủ trên thế giới. Nếu so sánh với “ong bắp cày” F/A-18 Super Hornets của Hải quân Mỹ, Tu-22M3M có thể tấn công ở khu vực có tầm xa hơn, đồng nghĩa với việc máy bay này có thể tấn công ở khu vực an toàn hơn.

Đức Hoàng

Theo Business Insider