1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lập căn cứ hải quân Tartus, khống chế Địa Trung Hải

Việc Nga lập 2 căn cứ không quân và hải quân ở Hmeymim và Tartus ở Syria là động thái vô cùng bất ngờ. Đằng sau nó ẩn chứa những gì?

Nga lập căn cứ thường trực tại Tartus, Hmeymim

Hôm 10/10, khi phát biểu tại phiên điều trần ở Hội đồng Liên bang, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Nikolai Pankov nói rằng, Nga sẽ lập căn cứ hải quân trên cơ sở thường trú tại Tartus, Syria. Những tài liệu có liên quan đã được Bộ quốc phòng nước này chuẩn bị xong.

Các tài liệu này hiện đang trải qua các thủ tục phê duyệt và thảo luận kế hoạch phối hợp liên bộ. Bộ quốc phòng Nga tin rằng, tài liệu sẽ nhanh chóng được phê duyệt, ngay sau khi kế hoạch triển khai lực lượng không quân vĩnh viễn tại Syria cũng đã được triển khai.

Thứ trưởng Pankov nói tại cuộc họp của Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga rằng, phía Nga tin tưởng bộ tài liệu này sắp tới sẽ được nước bạn nhanh chóng phê chuẩn và triển khai thực tế.

Niềm tin của vị quan chức quốc phòng Nga là có cơ sở khi ở Syria hiện nay, từ các quan chức cho đến người dân đang hào hứng bàn tán về các vấn đề liên quan đến việc thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại Tartus.

Ngày 10/10, người đứng đầu bộ phận thông tin thuộc Vụ chính trị của quân đội Syria là tướng Samir Suleiman cho biết, việc thành lập căn cứ hải quân thường trực của Nga tại Tartus là đúng đắn, xuất phát từ việc các tổ chức khủng bố đang được các thế lực ngoại bang tăng cường hỗ trợ.

Vị tướng Syria nhấn mạnh, sự hỗ trợ những kẻ khủng bố của các thế lực nước ngoài đang ngày càng gia tăng, cho phép chúng có khả năng tiếp tục leo thang chiến tranh lâu dài. Do đó, việc duy trì lực lượng quân thường trực Nga ở Syria đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Để chống lại khủng bố và các thế lực hỗ trợ chúng gồm một số nước trong và ngoài khu vực, cần thiết phải tăng cường mức độ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là việc thành lập căn cứ quân sự Nga ở Syria, gồm cả căn cứ hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeymim - vị tướng Syria nhấn mạnh.

Nga đã quyết định hiện diện thường trực không quân và hải quân ở Syria
Nga đã quyết định hiện diện thường trực không quân và hải quân ở Syria

Tổng thống Syria Assad cũng cho rằng, sự hiện diện của Nga tại cảng Tartus của Syria, nằm ở phía Đông Địa Trung Hải và cả những khu vực khác nhau trên thế giới, là điều cần thiết để duy trì trạng thái cân bằng Nga-NATO, đã bị suy yếu sau sự sụp đổ của Liên Xô hơn 20 năm trước đây.

Ngoài căn cứ hải quân Tartus, Quốc hội Nga cũng đã phê chuẩn Hiệp định do Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình về việc triển khai vô thời hạn cụm không quân, thuộc lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở sân bay Hmeymim, thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Nếu xây dựng được cả căn cứ không quân và hải quân ở ven bờ Địa Trung Hải, Nga có thể thành lập một hạm đội hải quân, với đầy đủ máy bay và tàu chiến, đủ khả năng đối phó với bất cứ thách thức nào từ lực lượng quân sự Mỹ-NATO.

Thế nhưng nguyên nhân gì khiến quyết định lập 2 căn cứ này được Nga đưa ra cực kỳ nhanh chóng và đầy bất ngờ như vậy?

Yêu cầu cấp bách của việc lập căn cứ quân sự ở Syria

Thứ nhất: Quan hệ sống còn giữa căn cứ Nga và chính quyền Assad

Việc ký kết hiệp định thường trú và xây dựng căn cứ quân sự ở Syria trước hết là nhằm mục đích lập chỗ đứng chân chắc chắn ở Địa Trung Hải, sau nữa là bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - đồng minh duy nhất của Nga ở khu vực này.

Vị thế quan trọng của các căn cứ quân sự Nga ở Địa Trung Hải

Hơn 20 năm qua, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, phương Tây đã “làm cỏ” dần đồng minh hoặc các nước có thiện cảm với Liên Xô cũ. Lần lượt Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Lybia… bị Mỹ và NATO "tiêu diệt"; hiện giờ Syria, Iran... cũng đang nằm trong tầm ngắm trực tiếp.

Hiện nay, Nga chỉ có đồng minh duy nhất là Syria, và cũng là nước duy nhất mà Nga có căn cứ quân sự ở khu vực Trung Đông. Sự tồn tại của Syria là điều mang tính biểu tượng đối với Moscow. Một khi đã mất chỗ đứng chân cuối cùng, đến bao giờ Nga mới lại khôi phục được địa vị của mình ở đây?

Vận mệnh của Syria và sự tồn tại căn cứ quân sự của Nga có mối quan hệ biện chứng với nhau. Để giữ vững chính quyền Syria, trước hết Nga phải hiện diện quân sự đầy đủ và mạnh mẽ ở đây và ngược lại, để những căn cứ này được bảo đảm tương lai vững chắc, Nga phải bảo vệ được chính quyền Assad.

Bởi vậy, việc lập những căn cứ không quân và hải quân ở đây sẽ là mục tiêu tối quan trọng mà Nga cần đạt được khi hoặc định kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

Thứ 2: Ngăn chặn sự “manh động” của liên quân phương Tây đối với Syria

Tờ Washington Post của Mỹ mới đây đã tuyên bố, giới chức lãnh đạo Washington đang nghiên cứu khả năng tấn công vào các lực lượng quân sự trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad, chính thức can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột Syria.

Tờ báo Mỹ cho biết, trong tuần trước tại Nhà Trắng đã diễn ra một cuộc họp các đại diện Bộ Ngoại giao, CIA và Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, thảo luận về vấn đề không kích các vị trí của chế độ Syria (không có sự tham dự của Tổng thống Obama).

Sau đó, cuộc thảo luận sẽ tiếp tục tại cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia dưới sự chủ trì của Tổng thống Obama, dự kiến diễn ra vào cuối tuần này. Trong số các phương án được xem xét có không kích các đường băng của Không quân Syria bằng tên lửa hành trình và vũ khí tầm xa.

Ngoài ra, để đề phòng trường hợp Nhà Trắng không chấp thuận đề xuất này, còn có cả những phương án của riêng Lầu Năm Góc, tiến hành các hoạt động quân sự bí mật, nhằm tránh sự phản đối của chính quyền Washington về hành động không được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Như vậy, mặc dù có thể ông Obama không đồng thuận nhưng Lầu Năm Góc vẫn sẽ có những hành động bất lợi cho Syria. Nếu Nga không lập tức mạnh tay, thì rất có thể những cuộc không kích và đòn đánh bằng tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải sẽ giáng vào những mục tiêu đầu não của Syria.

Chỉ có hiện diện quân sự thường trực mới cứu được Syria! Đó là nguyên nhân tại sao 2 Hiệp định về việc lập căn cứ không quân và hải quân ở Hmeymim và Tartus được soạn thảo và phê duyệt một cách vô cùng cấp tốc và đầy bất ngờ như vậy.

Vị trí các căn cứ không quân/hải quân Nga ở Syria và đảo Síp
Vị trí các căn cứ không quân/hải quân Nga ở Syria và đảo Síp

Thứ 3: Giải tỏa mối lo eo biển Bosphorus bị đóng lại

Trước đây, do Tartus chỉ là trạm hậu cần-kỹ thuật nên các tàu chiến Nga không thể neo đậu ở đây, do đó, Hạm đội Biển Đen thường xuyên phải thay quân. Tàu chiến của Hạm đội biển Đen Nga ra vào Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hoạt động tiếp tế, vận chuyển vũ khí trang bị cho cảng Tartus và thay quân cho nhóm tàu Địa Trung Hải đều phải thông qua eo biển này. Nga chỉ có một tàu sân bay Kuznetsov nên không thể triển khai hoạt động thường xuyên ở Địa Trung Hải bởi không có cảng đứng chân.

Dù quan hệ giữa Moscow và Ankara có tốt đẹp đến đâu thì Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia thuộc NATO, do đó các quyết định của chính quyền Erdogan không thể trái ngược với ý định của khối này.

Có được căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus, Nga có thể điều động một nhóm lớn tàu thuyền và cả tàu sân bay thường trực ở đây, đồng thời tập trung lượng lớn vũ khí, trang bị, hàng hóa nên không còn phải băn khoăn về việc một mai eo biển Bosphorus bị "khóa chết".

Trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng cực độ, nhất là nếu Lầu Năm Góc có ý định tấn công quân sự phủ đầu Syria, eo biển yết hầu này có thể bị NATO phong tỏa ngay lập tức.

Khi đó, Hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị nhốt chặt, không thể chi viện lực lượng, phương tiện và hậu cần cho biên đội tàu Nga ở Địa Trung Hải và Syria. Do đó, việc có một lực lượng không/hải quân đồn trú ở Địa Trung Hải là điều quan trọng lâu dài nhưng cũng mang tính cấp bách trước mắt.

Đảo Síp cách quân cảng Tartus của Syria chưa đầy 200km

Ý nghĩa lâu dài của việc lập căn cứ quân sự ở Địa Trung Hải

Nâng cao vị thế Nga - “Người bảo vệ hòa bình Trung Đông”

Với việc lập hai căn cứ quân sự trọng yếu bên bờ biển Địa Trung Hải, quân đội Nga đang tiến dần đến việc hiện diện quân sự vĩnh viễn ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung, mặc dù trên danh nghĩa, điều này được gọi là “hiện diện vô thời hạn” hay “hiện diện thường trực”.

Nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi tỉnh Latakia có vị trí địa-quân sự mang tính chiến lược, bởi phía tây giáp Địa Trung Hải (có căn cứ hậu cần hải quân Nga ở Tartus), phía Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, phía nam giáp biên giới với Lebanon, phía Đông Bắc giáp tỉnh Idlid, phía Đông giáp tỉnh Hama, phía Đông Nam giáp tỉnh Homs.

Sự hiện diện vĩnh viễn của không quân/hải quân Nga không chỉ đơn thuần là sự trợ giúp quý báu đối với đất nước Syria mà nó còn là sự bảo đảm an ninh cho khu vực Biển Đen của Nga, đồng thời có vai trò rất quan trọng đối với hòa bình ở khu vực Trung Đông và vùng biển Địa Trung Hải.

Ngoài ra, sự hiện diện quân sự vững chắc ở Syria sẽ là điểm tựa cho cả đồng minh Iran cũng đang nằm trong vòng cương tỏa của Washington và đồng minh, đồng thời giúp thắt chặt quan hệ của Nga với các đối tác quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi như là Iraq, Lebanon hay Ai Cập.

Khoét sâu mâu thuẫn nội bộ EU và NATO

Việc Moscow có thể xây dựng căn cứ hải quân tác chiến ở Tartus và căn cứ khộng quân ở Hmeymim là sự nối tiếp nỗi lo lắng của Mỹ và NATO khi vào cuối tháng 2/2015, chính quyền Cộng hòa Síp (Cyprus) đã cho phép hải quân Nga sử dụng các cảng biển của nước này.

Síp nằm ở phía Nam châu Âu, là đảo quốc lớn thứ 3 ở Địa Trung Hải, đối diện với cảng Tartus của Syria, cách cảng này vẻn vẹn chưa đầy 200km. Hòn đảo này có vị trí chiến lược ở Địa Trung Hải, khi vây quanh nó là Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Ai Cập, Hy Lạp...

Ngoài ra, hai nước đã thảo luận về khả năng Nga có thể sử dụng một căn cứ không quân trên lãnh thổ nước này, ngay sát căn cứ không quân của Anh trên đảo quốc này.

Việc đạt được thỏa thuận với một quốc gia đã có căn cứ quân sự của NATO khiến bất cứ hành động quân sự nào của phương Tây cũng không thể thoát khỏi mắt của Nga.

Nếu lập các căn cứ ven bờ Địa Trung Hải, Nga sẽ khống chế được lối vào Biển Đen và lối ra kênh đào Suez
Nếu lập các căn cứ ven bờ Địa Trung Hải, Nga sẽ khống chế được lối vào Biển Đen và lối ra kênh đào Suez

Hơn nữa, trước đây, việc các hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga hiện diện trong quân đội Síp (sau đó chuyển cho Hy Lạp) đã gây lên một cuộc tranh cãi gay gắt giữa các quốc gia NATO, thì nay, sự hiện diện của không quân/hải quân Nga ở hòn đảo này chắc chắn sẽ gây ra một cơ địa chấn.

Việc đạt được thỏa thuận giữa Nga và đảo Síp cho thấy Moscow đang tìm cách thắt chặt quan hệ với từng thành viên riêng rẽ của EU và NATO, nhằm khoét sâu vào những bất ổn tiềm tàng trong liên minh này và gia tăng ảnh hưởng địa chính trị của mình.

Thứ ba: Đối phó Hạm đội 6, chặn đường Hạm đội 5

Nếu có căn cứ quân sự trên vùng biển Địa Trung Hải, Nga có thể đối phó được với Hạm đội 6 của Mỹ, giải tỏa nỗi lo như trong thời gian cuộc khủng hoảng ở Syria cuối năm 2013, chiến hạm Nga phải hành quân rất xa đến thành lập Đội đặc nhiệm Địa Trung Hải.

Việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Syria và đảo Síp cùng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ giúp không quân và hải quân Nga sở hữu sức mạnh toàn diện, đủ lực đối phó với các biên đội tàu sân bay rất mạnh của Mỹ, Pháp, Anh trên vùng biển này.

Ngoài ra, khống chế được Địa Trung Hải cũng có vai trò rất trong trọng giúp Nga có thể ngăn chặn tàu chiến của Hạm đội 5 Mỹ và chiến hạm NATO từ biển Đỏ lên chi viện cho Hạm đội 6 ở Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez của Ai Cập một khi xung đột nổ ra.

Trong cuộc khủng hoảng Syria cuối năm 2013, tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio và tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz, cùng biên đội tàu khu trục và tuần dương hạm mang Tomahawk đã từ vùng Vịnh xuyên qua vịnh Aden lên biển Đỏ, sẵn sàng cho cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Syria.

Việc mở các căn cứ quân sự ở Síp và Syria để khống chế phần đông Địa Trung Hải, khóa lối vào Biển Đen, chặn đường ra kênh đào Suez cho thấy, Nga đang thực hiện một chiến lược khống chế sức mạnh của hải quân NATO một cách hết sức bài bản.

Theo Thiên Nam

Đất Việt