1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Mỹ và cuộc chạy đua lá chắn tên lửa tại châu Âu

Hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại châu Âu đã chính thức kích hoạt, bất chấp những cảnh báo từ Nga.

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất căng thẳng, động thái “phớt lờ Nga” này của Mỹ càng khiến cho tình hình thêm phức tạp.

Hệ thống tên lửa Patriot mà Mỹ triển khai tại Ba Lan. Ảnh AP
Hệ thống tên lửa Patriot mà Mỹ triển khai tại Ba Lan. Ảnh AP

Đối đầu từ thời Chiến tranh Lạnh

Hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được Mỹ khởi xướng từ thời Tổng thống Ronald Reagan với mục tiêu chính là chống lại Liên Xô. Khi “Chiến tranh Lạnh" kết thúc, kế hoạch bị gián đoạn và chỉ được nối lại dưới thời cựu Tổng thống George Bush, với mục đích mới là chống lại khả năng tấn công từ Iran.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía Nga. Nga cho rằng, kế hoạch của Mỹ và NATO bố trí các thành phần của hệ thống “lá chắn tên lửa” ở các nước Đông Âu, sát biên giới Nga là nhằm đe dọa trực tiếp nước này.

Tại Romania, sau nhiều năm lập kế hoạch và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân ở Deveselu, miền Nam nước này vừa được Mỹ khởi động.

Hệ thống bao gồm một radar cảm biến mạnh, các thiết bị đánh chặn tên lửa, thiết bị liên lạc. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng bảo vệ lãnh thổ Romania trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Dự kiến, Mỹ cũng sẽ triển khai xây dựng một hệ thống phòng thủ tương tự tại Ba Lan và sẽ sẵn sàng hoạt động vào năm 2018, tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho các hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

Ông Robert Bell, đặc phái viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO, khẳng định, “bước đi này là để đối phó với Iran chứ không nhằm vào Nga”.

Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh RT
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga. Ảnh RT

Nga quyết “xuyên thủng” hệ thống tên lửa của Mỹ

Thế nhưng, chắc chắn Nga không nghĩ như vậy. Nga đã phản ứng rất quyết liệt ngay từ khi kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này mới được đề xuất. Bộ Ngoại giao Nga khi đó đã lên tiếng phản ứng rằng hành động này đã “vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF)” được Liên Xô và Mỹ ký kết vào năm 1987.

Thư ký báo chí của tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố: “Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thực sự là mối đe dọa đối với an ninh của Liên bang Nga … Các biện pháp nhất định được thực hiện để đảm bảo mức độ an ninh cần thiết cho nước Nga".

Và khi hệ thống phòng thủ tên lửa hay còn gọi là “lá chắn tên lửa” của Mỹ tại châu Âu chính thức được “kích hoạt” thì cũng là thời điểm nước Nga hiện thực hóa phản ứng của mình bằng việc hoàn tất hệ thống tên lửa thế hệ mới có thể vô hiệu hóa “lá chắn tên lửa” này.

Trong mấy ngày qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tiến hành một loạt các cuộc họp với các cơ quan, ngành, đặc biệt là ngành kỹ thuật quân sự của Nga để bàn về những vấn đề liên quan đến tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nga.

Phản ứng của Nga cũng chính là một thông điệp cảnh cáo Mỹ và NATO về cái giá của việc gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga cũng như kích động cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu.

Nga chiếm ưu thế do NATO thiếu đồng bộ?

Tuy nhiên, trong một bài báo mới đây, một chuyên gia quốc phòng cấp cao của Mỹ đã có bài phân tích rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania không đủ sức bảo vệ châu Âu trước các đòn tấn công (nếu có) của Nga.

Đây là sự thừa nhận rằng bản chất thực sự của hệ thống phòng thủ không đúng như đặc phái viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại NATO khẳng định: “Bước đi này là để đối phó với Iran chứ không nhằm vào Nga”.

Thực tế này đã được bà Helen Caldicott, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1985 xác nhận: "Lời giải thích vô nghĩa và dối lừa để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ ở châu Âu đã bị tan vỡ sau hiệp định ký với Iran”.

Ở một khía cạnh khác, phân tích được cho là đã bộc lộ điểm yếu nhất của tổ chức NATO là chậm chạp và thiếu đồng bộ. Sau nhiều năm lập kế hoạch và tiêu tốn hàng tỷ USD đầu tư, hệ thống phòng thủ này mới được Mỹ khởi động.

Trong khi đó, Nga với chi phí hạn chế cũng đã phát triển thành công nhiều hệ thống tên lửa hiện đại trên đất, trên biển, trên không như RS-26, A-135, R-30 Bulava, Status-6 và nhất là RS-28 sắp được trang bị sẽ biến “lá chắn tên lửa” ở châu Âu của NATO chỉ mang tính “trang trí”.

Nga đã nhiều lần cảnh báo các quốc gia như Romania, Thụy Điển, Ba Lan... nếu các nước này tham gia dự án lá chắn tên lửa của NATO. Chắc chắn các diễn biến lần này sẽ tác động xấu đến mối quan hệ giữa Nga với các nước này cũng như với Mỹ và NATO.

Nga đã đe dọa sẽ đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan bằng cách triển khai tên lửa Iskander đến Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Litva. Tên lửa Iskander, có thể được trang bị cả đầu đạn hạt nhân và thông thường, có tầm bắn lên tới khoảng 500km và bao phủ lãnh thổ Ba Lan.

Vũ khí này đã được triển khai tạm thời đến Kaliningrad trong cuộc diễn tập quân sự năm ngoái để chứng minh khả năng triển khai vũ khí nhanh chóng của Nga.

Thời điểm hiện tại Nga đang hoàn tất công việc phát triển hệ thống tên lửa thế hệ mới nhất, đó là hệ thống tên lửa bất khả xâm phạm đối với vũ khí của NATO.

Và như thế thì, mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia như Romania, Thụy Điển, Ba Lan cũng như với Mỹ và NATO khó có thể xấu hơn được nữa vì tương quan quân sự đang nghiêng về phía Nga sẽ làm nhụt chí những âm mưu, động thái kìm chế và bao vây Nga. Với tương quan này, nước Nga sẽ buộc Mỹ và NATO phải xem xét việc xác lập lại mối quan hệ mới bình đẳng hơn với Nga./.

Theo Điệp Anh/VOV-Moscow