Nga-Mỹ-Trung "tranh hùng" tại Bắc Cực
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng tuyên bố, Bắc Cực sẽ là "thánh địa Mecca của Nga".
Tranh luận không hồi kết
Na Uy đã triệu tập Đại sứ Nga tại Oslo ngay sau khi ông Dmitry Rogozin đến Svalbard và Bắc Cực (19/4) để mở một căn cứ quân sự. 8 năm trước (cuối tháng 8/2007), một ngọn lửa bất ngờ bùng lên trong ánh hoàng hôn tại biển Barents, nhuộm vàng đám mây thấp trên bầu trời cảng Hammerfest (Na Uy).
Đó là ngọn lửa đầu tiên từ mỏ khí thiên nhiên Snohvit cách bờ 145 km, là kết quả của 25 năm nghiên cứu và thăm dò. Công ty dầu khí nhà nước Na Uy Statoil đã tìm được nguồn nhiên liệu thiên nhiên với trữ lượng có thể đạt 1,4 tỉ USD/năm và Oslo không muốn ai can dự vào chuyện này.
Theo ước tính của NATO, tính đến tháng 10/2014, tỉ lệ máy bay do thám Nga lảng vảng tại Bắc Cực đã tăng gấp 3 lần so với năm trước, còn Mỹ đã đưa vệ tinh do thám với hơn 17.000 lượt bay qua mỗi năm tại khu vực này. Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh cấp cao NATO nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc này.
Theo tờ The Wall Street Journal, dự kiến đến năm 2030, tàu thuyền các nước có thể qua lại tuyến Biển Bắc (Northern Sea Route) với khoảng 9 tháng mỗi năm và con đường này sẽ giúp giảm thời gian di chuyển giữa châu Âu và Đông Á tới 60% so với các tuyến đường hiện tại thông qua kênh đào Panama hay Suez.
"Kế hoạch Bắc Cực" của Nga
Nga đã công bố kế hoạch chi 40 tỉ USD cho "Kế hoạch Bắc Cực" đến năm 2020. Cuộc tập trận Arctic Challenge Exercise 2015 gần Bắc Cực (khu vực nằm giữa các phần lãnh thổ của Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch và Na Uy) từ 25/5 của NATO được dư luận quan tâm. Bởi đây là một trong những cuộc tập trận không quân lớn nhất trong năm nay, với sự tham gia của 9 nước và huy động tới 90 máy bay hiện đại cùng 4.000 binh sĩ và kéo dài trong 12 ngày.
Ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Moskva đang xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự quy mô lớn ở Bắc Cực, và các công trình xây dựng đã được triển khai ở đảo Kotelny, đảo Wrangel, đảo Alexander, đảo Nova Zemlya và đảo Schmidt trên Bắc Băng Dương. Trước đó (26-2), ông Sergei Shoigu tuyên bố, khả năng sử dụng các biện pháp quân sự để bảo vệ lợi ích quốc gia ở Bắc Cực được coi là một phần không thể thiếu trong chính sách đảm bảo an ninh quốc gia của Nga tại khu vực này.
Tính toán của Mỹ-Trung
Theo ước tính của Mỹ, có một lượng dầu đáng kể (khoảng 15% lượng dầu còn lại trên thế giới), cùng 30% khí tự nhiên và 20% lượng khí hóa lỏng chưa được khai thác nằm dưới những lớp băng của Bắc Cực. Cơ quan thăm dò địa chất Mỹ (USGS) từng tuyên bố, có khoảng 25% trữ lượng dầu thế giới hiện nằm trong lòng Bắc Cực.
Chỉ riêng trữ lượng tại vịnh Đông Greenland đã có tới 31,4 tỉ thùng, hầu hết ở dạng khí thiên nhiên. Bộ Tài nguyên và Năng lượng Nga ước tính, chỉ trong khu vực Bắc Băng Dương thuộc Nga đã có hơn 10 tỉ tấn dầu thô và khí đốt với trị giá 2.000 tỉ USD. Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực còn là nơi giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại quý hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí.
Lời thừa nhận hôm 6/5 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho thấy, Washington nhận ra tầm quan trọng của Bắc Cực muộn hơn so với Moskva rất nhiều. Trước đó, Đô đốc Paul F.Zukunft, Tư lệnh tuần duyên Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho rằng, trong khi Nga đang mở rộng chủ quyền ở Bắc Cực, Mỹ vẫn là "kẻ ngoài cuộc" tại khu vực này.
Ngày 22/1/2013, Đại sứ Trung Quốc tại Na Uy Triệu Vân tuyên bố, nước này không thực hiện bất kỳ hoạt động thám hiểm nào tại Bắc Cực. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược này từ khá lâu. Từ năm 2008, "ngũ cường Bắc cực" - Canada, Nga, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy đã ký bản tuyên bố Ilulissat, theo đó phải giải quyết êm thấm mọi tranh chấp chủ quyền, cũng như chia sẻ khai thác Bắc cực.
Nhưng tháng 3/2010, Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Doãn Trác tuyên bố, Bắc Cực thuộc về tất cả các dân tộc trên thế giới, chẳng nước nào có chủ quyền sở hữu một mình. Bắc Kinh phải đóng một vai trò không thể thiếu ở đây vì Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới. Trước đó (năm 2008), Đại tá Hàn Húc Đông còn cho rằng, vì tính phức tạp của các tranh chấp chủ quyền nên khả năng sử dụng vũ lực là điều không thể loại trừ ở Bắc Cực.