Nga - Mỹ - Trung Quốc: Chọn "win win" chia mỏ vàng Bắc Cực?
Gần đây, cuộc tranh giành ở Bắc Cực không dừng lại ở những tuyên bố mà được đẩy lên thành cuộc chạy đua về quân sự giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc.
Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc Cực cũng là nơi rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm, nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng và dồi dào ở Bắc Cực và trữ lượng khai thác có thể sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước “hé lộ”, thu hút nhiều loại các di cư từ phía Bắc xuống.
Các tuyến giao thông vận tải qua Bắc Cực sẽ giúp rút ngắn đáng kể cự ly và thời gian vận chuyển so với các tuyến vận tải trên biển hiện nay. Một chuyến tàu vận tải từ Rotterdam, Hà Lan đến Thượng Hải, Trung Quốc qua biển Bắc Cực sẽ giảm được 22% quãng đường so với qua kênh đào Suez.
Các chuyên gia hàng hải đánh giá, đến năm 2020, sẽ có khoảng 77 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển qua Bắc Cực. Ngoài việc giảm được thời gian, các tàu chở dầu trọng tải lớn còn tránh được những quy định về kích thước tàu, làm cho Bắc Cực ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các nước có đội tàu siêu trường, siêu trọng hiện đang gặp nhiều khó khăn khi hành trình qua kênh đào Suez và Panama.
Tiềm năng của Bắc Cực đã thu hút sự quan tâm của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang rất cần các nguồn năng lượng để duy trì tốc độ tăng trưởng. Song hành với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, các nước còn từng bước triển khai lực lượng quân sự tại đây, gây nên một cuộc chạy đua quân sự ở khu vực này.
Lý do của việc một số nước triển khai lực lượng quân sự tại Bắc Cực có thể có nhiều, song chủ yếu là các nước muốn khẳng định sự hiện diện quốc gia, hỗ trợ cho những tuyên bố về chủ quyền và bảo vệ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thăm dò, khai thác tài nguyên và hoạt động thương mại...
Cuộc chạy đua quân sự tại Bắc Cực
Trong cuộc chạy đua quân sự tại Bắc Cực, những động thái của Nga, Mỹ và Trung Quốc rất đáng chú ý, thu hút sự quan tâm của dư luận và cộng đồng quốc tế. Phát biểu trước các sĩ quan cao cấp của quân đội Nga ngày 28/3/2014 tại Kremlin, Tổng thống Nga V. Putin đã khẳng định: Trong những thập kỷ qua, Nga đã từng bước thiết lập và củng cố các vị trí của mình tại Bắc Cực.
Trong bối cảnh hiện nay, Nga sẽ tích cực phát triển khu vực đầy hứa hẹn này và cần sử dụng tất cả các biện pháp để bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế tại đó. Bắc Cực luôn là chủ đề được đưa ra thảo luận tại Hội đồng An ninh Nga trong thời gian qua.
Đầu năm 2014, Nga đã thành lập một Bộ Chỉ huy chiến lược thống nhất Hạm đội Bắc Hải (NFUSC) để bảo vệ lợi ích của Nga ở Bắc Cực. Theo đó, Bộ chỉ huy quân sự mới gồm Hạm đội Biển Bắc, lữ đoàn tác chiến Bắc Cực, một số đơn vị không quân, phòng không và bảo đảm, được trang bị 25 tàu các loại, trong đó có 6 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Sự ra đời của Bộ chỉ huy mới là kết quả thực hiện chỉ thị của Tổng thống V. Putin về việc tăng cường lực lượng quân sự Nga ở Bắc Cực (12/2013).
Hải quân Mỹ đã xây dựng kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Bắc Cực bắt đầu từ năm 2020. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang có kế hoạch thiết lập cương vị Đại sứ Bắc Cực nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Bắc Cực ngày một tăng. Theo Chiến lược về Bắc Cực của Mỹ, hải quân sẽ được tăng cường kinh nghiệm hoạt động tại môi trường Bắc Cực, đồng thời nâng cao năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Với chương trình hiện đại hóa hải quân nhằm mục tiêu tác chiến biển xa, sự có mặt về quân sự của Trung Quốc ở Bắc Cực có thể sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần, vì nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cho nền kinh tế đang phát triển ở Trung Quốc. Trung Quốc có thể sẽ triển khai các tàu ngầm hoặc tàu mặt nước ở Bắc Cực làm nhiệm vụ giám sát và bảo vệ tuyến vận chuyển nguyên, nhiên liệu và các lợi ích chiến lược khác.
Trung Quốc cho rằng, chỉ riêng việc vận chuyển dầu mỏ và hàng hóa qua Biển Bắc, Trung Quốc đã có thể tiết kiệm từ 60-120 tỉ USD/năm. Ngoài ra, thực tế cho thấy, cả kênh đào Suez và Panama hiện nay đã sử dụng hết công suất và sẽ quá tải trong vài năm tới; do đó, việc sử dụng tuyến giao thông qua Biển Bắc sẽ là lự chọn tất yếu. Năm 2012, Trung Quốc đã cử tàu phá băng “Tuyết Long” đến Bắc Cực. Sự kiện này được báo giới đánh giá có tầm quan trọng chiến lược không kém gì việc triển khai tàu sân bay ở những vùng biển khác.
Nguy cơ xung đột quân sự tiềm ẩn
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các quốc gia xung quanh Bắc Cực đều có quyền khai thác tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Tuy nhiên, để thực hiện được quyền này, các quốc gia cần tiến hành khảo sát, đo đạc, cung cấp thông tin cho một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc để kiểm tra tính khoa học, chính xác; sau đó, các quốc gia có liên quan sẽ phải giải quyết những vấn đề xung quanh sự chồng lấn.
Vấn đề về quyền khai thác tại Bắc Cực đối với các quốc gia hiện nay chưa rõ ràng. Mặc dù 5 nước liên quan trực tiếp đến Bắc Cực là Nga, Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đã ký thỏa thuận với nhau, song văn kiện này không có tính chắc chắn lâu dài và không đóng vai trò là công cụ để ngăn chặn cuộc tranh giành ở Bắc Cực giữa các nước.
Một số nhà phân tích đã lên tiếng cảnh báo, nếu các lợi ích chiến lược ở Bắc Cực ngày càng lộ rõ và các bên tranh chấp chưa thể thống nhất về một giải pháp phân chia quyền lợi chung thì khả năng xảy ra xung đột quân sự sẽ hiện hữu. Đồng thời, do tính chất phức tạp của các tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực nên không loại trừ khả năng các nước sử dụng lực lượng quân sự để can thiệp.
Việc Mỹ chưa thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 là cản trở lớn nhất cho cuộc chiến tranh giành Bắc Cực của Mỹ, đồng thời do Mỹ có thể không công nhận các phán quyết của Tòa án Công ước Luật biển nên không loại trừ khả năng xảy ra xung đột.
Không chỉ các quốc gia Bắc Cực như Canada, Nga, Na Uy, Mỹ và Đan Mạch đang tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với các vùng đáy biển Bắc Cực, Đô đốc hải quân Nga V. Vysotsky đã cảnh báo Trung Quốc đang ráo riết tiến hành các hoạt động nhằm phân chia lại “miếng bánh Bắc Cực”.
Trước những hành động của Trung Quốc, Nga đã công bố sẽ “không nhân nhượng một tấc đất” ở Bắc Cực cho nước khác. Các tàu chiến của hải quân Nga sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện ở khu vực Bắc Cực thuộc Nga. Tổng thống Nga Putin đã công khai tuyên bố: Nga không có gì phải sợ người láng giềng phía Đông của mình!
Hồi kết nào cho Bắc Cực?
Trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực hiện nay, Nga là nước đang chiếm ưu thế với hơn một nửa tài nguyên ở đây. Năm 2007, Nga đã tuyên bố chủ quyền khu vực thềm lục địa dưới Bắc Cực, dải Lomonosov, phần mở rộng của thềm lục địa Siberia; đồng thời sử dụng tàu ngầm mini để cắm cờ đánh dấu chủ quyền dưới đáy biển.
Nga cũng đã quyết định đóng tàu phá băng mang tên “Fifty Years of Victory” (50 năm chiến thắng), có khả năng phá lớp băng dày 2,5m, được coi là tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn nhất, hiện đại nhất thế giới hiện nay để khai phá Bắc Cực. Gần đây, Nga đã công bố kế hoạch chi 40 tỉ USD cho Kế hoạch Bắc Cực đến năm 2020.
Đối với Mỹ, mặc dù chưa thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và chưa có tư cách để nộp đơn tuyên bố chủ quyền lên Liên hợp quốc, nhưng Mỹ đã cử Lực lượng cảnh vệ bờ biển đến Bắc Cực để lập bản đồ đáy biển Alaska và xác định thềm lục địa của mình. Gần đây, hải quân Mỹ đã công bố kế hoạch thực hiện chương trình khai phá và củng cố vị trí của Mỹ ở Bắc Cực với số tiền lên tới 8,4 tỉ USD và thảo luận về khả năng đóng 10 tàu phá băng mới để đưa đến Bắc Cực.
Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc tới Bắc Cực năm 2007
Lãnh đạo Trung Quốc đã dọn đường cho việc tham gia tranh giành quyền lợi ở Bắc Cực qua tuyên bố: “Bắc Cực thuộc về mọi người trên Trái Đất và không một quốc gia nào có chủ quyền đối với Bắc Cực. Trung Quốc phải đóng một vai trò không thể thiếu ở đây vì Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới!”. Trong những năm qua, hàng năm Trung Quốc chi khoảng 60 triệu USD cho việc nghiên cứu Bắc Cực và đang xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực ở Thượng Hải.
Nhìn qua cách đổ tiền của và những triển khai ráo riết về quân sự của Nga, Mỹ và Trung Quốc ở Bắc Cực, có thể khẳng định rằng, ba cường quốc trên sẽ không từ bỏ mục tiêu giành phần chia “miếng bánh” của mình ở Bắc Cực. Song có lẽ khác với thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, trong cuộc chiến tranh lạnh mới này, các nước đều phải tính toán đến lợi ích của nước khác trước khi thực hiện các hành động của mình.
Chính vì vậy, giải pháp “win-win” (hai bên cùng thắng) chắc chắn sẽ được cả Nga, Mỹ và Trung Quốc áp dụng. Chỉ có điều nước nào “nhanh chân” hơn trong cuộc chạy đua này, có tiềm lực kinh tế dồi dào và chiếm ưu thế về công nghệ có thể sẽ giành được “miếng bánh” Bắc Cực to hơn, giàu tài nguyên hơn, còn những nước đến sau đành phải chấp nhận “miếng bánh” bé hơn, “khó nuốt” hơn, thậm chí khoanh tay đứng nhìn nước khác làm giàu từ Bắc Cực.
Vì những lợi ích nhãn tiền như vậy, chắc chắn cả Nga, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục cuộc đua ở Bắc Cực. Tuy nhiên, kết cục của cuộc đua này sẽ như thế nào và nước nào sẽ giành phần thắng vẫn là những câu hỏi để ngỏ.