Nga - Mỹ thành lập liên minh chống khủng bố
(Dân trí) - Theo một nguồn tin cao cấp trong chính quyền Bush, Tổng thống Nga và Mỹ sẽ ký kết một thoả thuận thiết lập chương trình giám sát khủng bố hạt nhân toàn cầu, nhằm phát hiện và vô hiệu hoá các loại vật liệu chế tạo bom, ngăn chặn bọn khủng bố tiếp cận vũ khí nguyên tử.
Quan chức trên cũng cho biết hai nước hy vọng Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Australia, Kazakhstan và nhiều nước khác sẽ gia nhập chương trình, tiến tới thiết lập một liên minh gọi là: Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân.
Tổ chức không chính thức này sẽ hoạt động trên cơ sở của cái gọi là Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí (PSI), tập hợp hơn 70 nước do Mỹ lãnh đạo, với mục tiêu chống buôn bán vũ khí bất hợp pháp bằng đường biển và đường không. Một số nước trong tổ chức này thường xuyên gặp gỡ để chia sẻ thông tin tình báo và phối hợp bắt giữ các chuyến tàu chở vũ khí không rõ nguồn gốc.
Sáng kiến chống khủng bố hạt nhân còn muốn đi xa hơn, cho phép thành lập một lực lượng đặc biệt có thể hoạt động bên trong biên giới của mỗi nước sở hữu vũ khí hoặc vật liệu hạt nhân, thiết lập các tiêu chuẩn để bảo vệ và phát hiện hạt nhân cũng như phát triển các chiến lược chung để đối phó với các nhóm khủng bố.
Dự kiến trong thông cáo báo chí sau buổi hội đàm giữa hai tổng thống Nga và Mỹ nhân cuộc họp thượng đỉnh G-8 tại Moscow, hai bên sẽ mô tả chi tiết kế hoạch phối hợp các lực lượng đặc nhiệm đối phó với khủng bố, giảm thiểu hậu quả của các hành động khủng bố bằng vũ khí nguyên tử nếu nó xảy ra và tăng cường hợp tác trong việc đấu tranh chống khủng bố.
Giống như Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí, liên minh chống khủng bố mới sẽ mở rộng ra toàn thế giới từ một số nước nòng cốt ban đầu. Đây sẽ là một tổ chức mở và linh hoạt, không có bất cứ một hiệp định hay cơ cấu hành chính nào và do vậy dễ thu hút các nước tham gia. Qua mấy năm thành lập, Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí đã ngăn chặn được hơn 30 chuyến vận chuyển vũ khí bất hợp pháp. Đó là chưa kể nhiều trường hợp khác thực hiện thành công nhưng không được công bố rộng rãi.
Một trong những ví dụ rõ nhất là Trung Quốc, dưới áp lực của nhiều nước, đã từ chối không cho một chiếc máy bay quân sự của Iran, được cho là mang nhiều thiết bị chế tạo tên lửa, bay qua lãnh thổ để tới Bắc Triều Tiên.
Nếu thành công, Sáng kiến chống khủng bố mới sẽ tạo ra những chuẩn mực nhằm đảm bảo an toàn cho kho vũ khí và vật liệu hạt nhân trên toàn thế giới, đồng thời phát triển thêm các công nghệ hiện đại để phát hiện dấu vết của vũ khí hạt nhân trong các thành phố và các nút giao thông quan trọng.
Ngọc Nhàn
Theo New York Times