1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga, Mỹ lại hâm nóng cuộc chiến kinh tế

Bất chấp những cải thiện gần đây trong quan hệ Nga-Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế, phía Mỹ lại bắt đầu làm găng với Nga trong lĩnh vực kinh tế.

Trong bối cảnh những bất đồng giữa Nga và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như xung đột Syria đang có dấu hiệu được thu hẹp thì hai bên lại bắt đầu hâm nóng một mặt trận khác đó là cuộc chiến kinh tế.

Nga, Mỹ lại hâm nóng cuộc chiến kinh tế - 1

Mỹ, Nga đối đầu. (Ảnh: wearechange)

Bộ Tài chính Mỹ hôm qua (22/12) bổ sung hàng chục cá nhân và tổ chức của Nga vào danh sách trừng phạt với cáo buộc có liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ngay lập tức, Nga đã chỉ trích hành động của Mỹ là sai trái, mang tính thù địch và Moscow sẵn sàng có các biện pháp đáp trả.

Dư luận quốc tế gần đây hoan nghênh những bước tiến đạt được trong các cuộc xung đột Ukraine và Syria, khi Ng và Mỹ - 2 cường quốc lớn đóng vai trò quan trọng bắt đầu có những tuyên bố thỏa hiệp. Đối với cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, Nga và Mỹ đều tuyên bố ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk, trong khi hai nước cũng lên tiếng thúc đẩy các cuộc đối thoại hòa bình để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Tuy nhiên trong bầu không khí tích cực này, Liên minh châu Âu và Mỹ liên tiếp đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Bộ Tài chính Mỹ hôm qua bổ sung 34 pháp nhân và thể nhân của Nga vào 4 danh sách trừng phạt khác nhau. 12 ngân hàng, nhà máy và các công ty khác của Nga cũng bị Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt với cáo buộc có “liên quan tới bán đảo Crimea”. Các cá nhân và tổ chức trong danh sách trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ sẽ bị phong tỏa tài khoản, bị cấm giao dịch với công dân và các công ty Mỹ.

Phản ứng trước động thái của Mỹ, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Mỹ đang thi hành chính sách mâu thuẫn và thù địch chống lại Nga, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ song phương.

Phát biểu với báo giới tại Điện Kremlin, ông Peskov cho biết, phía Nga sẽ tiến hành phân tích quyết định mà Mỹ vừa thông qua, sau đó sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov khẳng định, Nga sẽ không để các biện pháp trừng phạt chống Nga của Mỹ tiếp tục không có lời giải đáp, trong khi Bộ Phát triển Kinh tế Nga nhấn mạnh, các biện pháp trừng phạt mới được đưa ra là một hành động không xây dựng và phản tác dụng. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng trấn an những mối lo ngại của người dân khi các biện pháp trừng phạt kéo dài có thể tác động đến cuộc sống của người dân, đồng thời cam kết chính phủ sẽ hỗ trợ cho những ngành bị ảnh hưởng.

Ông Putin nói: “Năm ngoái nước Nga đã phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng. Giá dầu giảm cũng như các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Nga giảm. Việc tiếp cận với thị trường tài chính thế giới của các công ty và thể chế của bị giới hạn. Tôi biết sẽ không dễ dàng gì đối với bất cứ ai. Những khó khăn kinh tế ảnh hưởng đến thu nhập và mức sống của người dân. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có thể nhìn thấy những xu hướng tích cực”.

Trong một dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể sẽ làm hủy hoại những bước tiến hòa bình đang đạt được gần đây tại Ukraine khi Đại diện của nước cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk tại nhóm tiếp xúc về Ukraine cho rằng, quyết định trừng phạt nhằm vào Nga thể hiện thái độ của Mỹ đối với tiến trình hòa bình tại Donbass, đặc biệt đưa ra vào thời điểm khi cuộc họp cuối cùng của nhóm tiếp xúc Minsk trong năm 2015 diễn ra.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cho rằng, quyết định mở rộng trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm vào Nga sẽ khuyến khích Ukraine vi phạm thỏa thuận hòa bình Minsk.

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga đưa ra một ngày sau khi Liên minh châu Âu nhất trí gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga thêm 6 tháng, tới ngày 31/7/2016, trong đó chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể.

Đối với phía Nga, việc EU gắn các biện pháp trừng phạt với giải quyết xung đột ở Đông Nam Ukraine là gượng ép và không hợp lý. Cuộc xung đột này không liên quan tới Nga và xuất phát điểm khủng hoảng ở Ukraine trong 2 năm qua liên quan tới việc Ukraine hội nhập với chính EU. Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi phương Tây thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt thì nên tham gia cùng với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Theo Phạm Hà/VOV-Trung tâm Tin

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm