1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga-Mỹ ép Thổ Nhĩ Kỳ phải kết thúc chiến dịch Lá chắn Euphrates

Thổ Nhĩ Kỳ đã đột ngột tuyên bố chấm dứt các hoạt động quân sự ở phía Bắc của Syria, mặc dù chưa đạt được các mục đích của mình. Điều này xuất phát từ nguyên nhân nào?

Vào ngày 30/3, chính quyền Ankara đột ngột tuyên bố chấm dứt chiến dịch Lá chắn Euphrates (Euphrates Shield), bắt đầu vào ngày 24/8/2016, mà chính quyền Damascus cáo buộc là một “cuộc xâm lược” của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chiếm đóng 5.000 km2 lãnh thổ phía bắc Syria.

Trong chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ đã trực tiếp đưa hàng ngàn binh lính và vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp, lựu pháo tự hành sang lãnh thổ Syria để hỗ trợ nhóm phiến quân đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) tấn công nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại địa bàn tỉnh Aleppo ở phía Bắc Syria và chiếm một số khu vực thuộc tỉnh này, giao cho FSA quản lý.

Trong khi Ankara tuyên bố hôm 30/3 rằng Chiến dịch Lá chắn Euphrates chấm dứt sau khi quân đội nước này “đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”, thì nguồn tin quân sự của DEBKAfile cho biết rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không thực hiện được ba mục tiêu chính:

1. Không thể thiết lập một khu vực an ninh rộng 5.000km2 như dự tính ban đầu, bao gồm một vùng tam giác, nằm giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria-Iraq, một đỉnh giáp Địa Trung Hải, đỉnh bên kia đặt trên biên giới Iraq và đỉnh còn lại cắm sâu vào lãnh thổ Syria ở al-Bab.

2. Thổ Nhĩ Kỳ chưa xua đuổi hoàn toàn được người Kurd về phía Đông sông Euphrates, bởi thị trấn chiến lược quan trọng là Manbij, ở phía Bắc của tỉnh Aleppo (nằm ở phía Tây sông Euphrates) vẫn thuộc quyền kiểm soát của người Kurd Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch Lá chắn Euphrates
Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tuyên bố chấm dứt chiến dịch Lá chắn Euphrates

3. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không thể truy quét hoàn toàn các lực lượng vũ trang của người Kurd (thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - tức YPG) ở khu vực dọc theo biên giới nước này với Syria.

Theo giới chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chấm dứt các hoạt động quân sự trong chiến dịch Lá chắn Euphrates ở phía Bắc Syria khi chưa hoàn thành các mục tiêu đề ra, có liên quan mật thiết đến một “tối hậu thư” mà người Kurd đã trao cho Nga và Mỹ.

Báo cáo về quân đội và tình báo của DEBKAfile dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, chính quyền Erdogan đã buộc phải từ bỏ những mục tiêu đó sau khi Nga và Mỹ đưa ra “tối hậu thư” (của người Kurd) buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt chiến dịch quân sự này.

Những người đứng đầu lực lượng chính trị của người Kurd ở SDF đã cảnh báo hai quyền lực lớn nhất ở Syria (tức Nga và Mỹ) rằng, họ sẽ đảm nhận nhiệm vụ mũi nhọn tấn công Raqqa trong chiến dịch mang tên Cơn thịnh nộ Euphrates chỉ dựa trên hai điều kiện:

Thứ nhất: YPG yêu cầu Moscow và Washington phải đảm bảo rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở phía sau lưng người Kurd sẽ không lợi dụng việc họ điều chuyển quân đến giải phóng Raqqa khỏi tay IS, để đánh chiếm các thị trấn thuộc vùng kiểm soát của người Kurd.

Mặc dù đã chiếm được một khu vực khá rộng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt mục tiêu đề ra
Mặc dù đã chiếm được một khu vực khá rộng nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt mục tiêu đề ra

Hơn thế nữa, sau tuyên bố chính thức này, Ankara cũng có nghĩa vụ phải cam kết rằng, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiến thêm một inch nào ra phía bên ngoài “ranh giới đỏ” kiểm soát hiện tại của họ ở phía bắc Syria.

Thứ hai: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tham gia cuộc tấn công Raqqa dưới bất kỳ hình thức nào. Việc loại bỏ vai trò quân sự của chính quyền Erdogan trong hoạt động này cũng tương tự như việc Ankara đã bị loại khỏi chiến dịch giải phóng Mosul/Iraq.

Để cung cấp một bằng chứng nặng ký cho tối hậu thư của người Kurd, Lầu Năm Góc đã điều 500 quân đến trấn thủ các vị trí của người Kurd ở thị trấn Manbij (Đông Bắc Aleppo) để đề phòng Thổ Nhĩ Kỳ “làm bậy”, trong khi người Nga di chuyển một đơn vị vào khu vực đóng quân của người Kurd ở Afrin (Tây Bắc Aleppo), đối diện với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải chấm dứt chiến dịch quân sự đầy phiêu lưu trên lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, chính quyền Ankara không thông báo rút quân về nước và đã đệ trình một kế hoạch phối hợp đánh chiếm Raqqa, nhưng chưa được Mỹ trả lời.

Các chuyên gia nhận định rằng, trong thời gian tới, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang dự tính những kế hoạch mới và không thể loại trừ khả năng chính quyền Erdogan sẽ mở các chiến dịch quân sự tiếp theo ở Syria.

Theo Nguyễn Ngọc

An ninh thủ đô